Kinh doanh điện tử: Làng nghề truyền thống bắt nhịp xu hướng mới
Phát triển làng nghề đá chẻ Hòa Sơn | |
TP. Hà Nội: Các làng nghề cần được hỗ trợ | |
Bảo tồn nghề truyền thống gắn với du lịch |
Hoạt động sản xuất sụt giảm nghiêm trọng
Với khoảng 1.500 hộ gia đình tham gia sản xuất đồ gỗ phục vụ tiêu dùng nội địa, Đồng Kỵ (Bắc Ninh) là một trong những làng nghề gỗ truyền thống nổi tiếng nhất của cả nước chịu tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19. Theo ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ, hiện tại, toàn bộ hệ thống cửa hàng bán đồ gỗ trong địa bàn, hệ thống chợ gỗ cung cấp gỗ nguyên liệu cho các làng nghề gỗ, bao gồm cả Đồng Kỵ và các làng nghề gỗ gần với Đồng Kỵ hiện phải đóng cửa.
Không có đầu ra, hoạt động của các làng nghề bị co hẹp nghiêm trọng, sản xuất của các hộ tại địa bàn đã sụt giảm khoảng 80%.
Sản xuất tại nhiều làng nghề bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 |
Giảm mạnh quy mô cũng là tình trạng chung ở rất nhiều trong số hơn 3.000 làng nghề thủ công trên cả nước. Ông Bùi Hoàng Ngọc Thảo, chủ xưởng sản xuất mây tre đan xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức chia sẻ: Hiện cơ sở không có đơn hàng mới mà chỉ hoàn thành các đơn hàng trước Tết Nguyên đán, tuy nhiên số lượng này không nhiều. Đối với đơn hàng xuất khẩu, các đối tác nước ngoài đã ngừng nhập, hàng sản xuất ra phải lưu kho chờ dịch qua mới có thể tính đến phương án tiếp theo.
Vì dịch bệnh, các làng nghề không chỉ phải dừng sản xuất, không tạo ra doanh thu mà còn ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm nghìn lao động nông thôn. Trước thực trạng đó, các làng nghề buộc phải tìm hướng đi phù hợp để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Chủ động chuyển hướng kinh doanh điện tử
Một số làng nghề hiện đã tổ chức mô hình bán hàng trực tuyến theo nhóm. Đơn cử như cách làm của Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ, đơn vị này đã thành lập các nhóm bán hàng trên mạng xã hội như Zalo, Facebook… liên kết hơn 179 hộ gia đình. Thành viên của nhóm bao gồm các hộ gia đình chuyên cung cấp nguyên liệu, sản xuất và kinh doanh thương mại.
Nhiều hộ sản xuất đồ gỗ chuyển hướng tư vấn bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội |
Từ nhóm này, các thành viên chủ động tìm được nguồn nguyên liệu sản xuất, giới thiệu các mặt hàng do chính các hộ sản xuất. Với những dữ liệu trong nhóm, các hộ chuyên làm thương mại sẽ tập trung quảng cáo, kết nối với người mua có nhu cầu. Các hộ kinh doanh còn tận dụng các nền tảng công nghệ để tư vấn, bán hàng trực tuyến.
Với mô hình kinh doanh điện tử, các hộ đã dần chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, vừa nhanh chóng vừa giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp.
Bên cạnh đó, làng nghề này cũng tích cực đưa những sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Tất cả sản phẩm được dán tem nhãn thương hiệu "Gỗ Đồng Kỵ", được bảo hộ độc quyền tới người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế.
Không chỉ tăng cường tại địa phương, mô hình liên kết giữa làng nghề và các sàn thương mại điện tử đã mở rộng trên phạm vi cả nước. Mới đây, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã phối hợp cùng Lazada Việt Nam chính thức triển khai dự án “Làng nghề đặc sản online”. Nhờ đó, các làng nghề đặc sản như dừa Bến Tre, sen Đồng Tháp, tre luồng Thanh Hoá, thổ cẩm Hà Giang… có thể mở rộng thị trường, tiếp cận người tiêu dùng cả nước.
Đó là xu hướng chung của nhiều ngành kinh doanh. Theo thống kê từ Google, lượt tìm kiếm mua hàng trên mạng tại Việt Nam đã tăng đến 40% trong tháng trước. Như vậy, có thể nói với kinh doanh điện tử, các hộ làm nghề truyền thống đã giải quyết được vấn đề đau đầu nhất hiện nay là đứt gãy trong chuỗi cung ứng sản phẩm do dịch Covid-19.
Cuộc chuyển đổi đường dài
Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh điện tử của các làng nghề hiện nay, theo các chuyên gia đánh giá, mới chỉ được xem là giải pháp tình thế.
Về lâu dài, để chuyển đổi phương thức bán hàng thì đòi hỏi các làng nghề cần phải có những thay đổi căn bản về dòng sản phẩm, trình độ quản trị doanh nghiệp và tay nghề của người lao động, phát triển cơ sở hạ tầng tốt nhằm thực hiện các giao dịch trực tuyến. Bên cạnh đó, việc vẫn còn nhiều làng nghề chưa nhận thức đủ lợi ích mà kinh doanh điện tử mang lại là một cản trở lớn.
Vì vậy, để kinh doanh điện tử giúp làng nghề truyền thống chuyển mình thành công, các làng nghề cần biến các hình thức kinh doanh điện tử trở thành kênh quảng bá hiệu quả. Từ đó giúp làng nghề truyền thống mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, tạo động lực cho người làm nghề không ngừng sáng tạo để khẳng định giá trị sản phẩm.
Để làm được điều đó, nhiều chương trình liên kết đã được ra đời để giúp các làng nghề chuyển mình mạnh mẽ. Ngay trong tháng 6, VECOM cùng Tiki và IM Group sẽ triển khai dự án hỗ trợ 500.000 doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử bền vững tại 15 tỉnh thành. Riêng Tiki tuyên bố tung gói hỗ trợ 200 tỷ đồng cho 20.000 doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh trên sàn này.