TP. Hà Nội: Các làng nghề cần được hỗ trợ
Bảo tồn nghề truyền thống gắn với du lịch | |
Làng nghề tìm hướng phát triển kinh tế bền vững | |
Doanh nhân hiến kế tìm hướng đi mới cho làng nghề |
Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, đây đang là thời điểm khủng hoảng của các làng nghề và rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách như thuế, lãi suất để vượt khó và hỗ trợ người lao động.
Cho đến nay, hơn 1.300 làng nghề của thành phố Hà Nội, trong đó nhiều làng nghề xuất khẩu, dịch vụ, phục vụ du lịch đang phải thu hẹp hoạt động sản xuất. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến các làng nghề, DN mà còn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng ngàn người lao động. Trong những ngày này, hoạt động sản xuất và kinh doanh tại làng nghề thủ công mỹ nghệ Phú Vinh (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) khá trầm lắng, khác hẳn không khí sôi động, tấp nập trước đây. Nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh cho biết, các cơ sở sản xuất tại làng nghề Phú Vinh trong những ngày chống dịch đã thực hiện nghiêm lệnh cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ. Bà con làng nghề đưa nguyên vật liệu về gia đình để sản xuất hàng hóa, thay vì làm việc tập trung ở các nhà xưởng như trước. Tuy nhiên do thị trường trong nước và xuất khẩu tạm thời đình trệ nên sản xuất cũng giảm mạnh.
Làng nghề Bát Tràng vắng khách trong mùa dịch |
Cơ sở sản xuất mây tre đan Hân Hạnh cũng gặp rất nhiều khó khăn khi mà sản xuất và doanh thu sụt giảm. So với hàng nghìn sản phẩm sản xuất mỗi tháng trước đây để phục vụ du khách nước ngoài và xuất khẩu đi một số thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha... thì suốt từ đầu Tết Nguyên đán đến nay, cơ sở không có đơn hàng mới và khách du lịch cũng thưa thớt nên phải thu hẹp và sản xuất cầm chừng.
Theo các chuyên gia, một số làng nghề nổi tiếng của Hà Nội như gốm Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, lụa Vạn Phúc… đều đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Tại làng nghề Bát Tràng trong thời gian qua cho thấy, phần lớn các cửa hàng, gian hàng trong chợ đều tạm thời đóng cửa. Các xưởng làm gốm cũng chỉ hoạt động nhỏ giọt. Trong khi thị trường trong nước và xuất khẩu đóng băng, các đơn hàng xuất khẩu tạm dừng và không có đơn hàng mới và không có khách du lịch đã khiến Bát Tràng rơi vào tình cảnh đìu hiu. Đại diện Công ty Phân phối Gốm sứ Bát Tràng cho biết, Bát Tràng nổi tiếng với những sản phẩm độc đáo không chỉ xuất khẩu ra thị trường nhiều nước mà còn nổi tiếng với việc phục vụ khách du lịch tại chỗ. Từ khi bùng phát dịch Covid-19 thì 2 ngành nghề này bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, du khách hạn chế đi lại. Du lịch trải nghiệm với các khu dịch vụ trải nghiệm nặn gốm của những gia đình làm gốm, một nét đặc trưng thu hút đông đảo khách cũng tạm dừng hoạt động. Các cơ sở sản xuất đều giảm lượng sản xuất để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Các tiểu thương kinh doanh đóng cửa và một số chuyển sang kinh doanh online. Lượng tiêu thụ giảm, sản phẩm làm ra không bán được khiến các tiểu thương và người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê chưa đầy đủ của các tiểu thương bán gốm sứ Bát Tràng thì thời gian qua, lượng khách giảm 2/3 và doanh số bán hàng chỉ bằng 1/3 mọi năm.
Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn này, các làng nghề cần nỗ lực duy trì sản xuất vượt qua bão dịch. Hiện các tổ chức sản xuất kinh tế của làng nghề Bát Tràng đang tích cực động viên nhau ổn định tư tưởng, cố duy trì sản xuất ở mức độ hợp lý để giữ vững mặt hàng. Trong bối cảnh khó khăn chung bởi dịch bệnh, Bát Tràng cũng như các làng nghề khác đều mong muốn nhận được sự quan tâm, các hỗ trợ phù hợp của Nhà nước để gỡ khó cho các DN, cơ sở sản xuất và lao động không có việc làm.