Những vấn đề tiêu biểu của kinh tế thế giới năm 2023
Lạm phát giảm mạnh
Lạm phát toàn cầu sau khi lập đỉnh trong năm 2022 đã có xu hướng giảm nhanh trong năm 2023 trong bối cảnh lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn đều giảm mạnh. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, CPI tháng 12/2023 tăng 0,3% trong 12 tháng, và tăng 3,4% trong cả năm 2023. Thậm chí nếu nhìn theo chỉ số Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed – thì tháng 11 chỉ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vẫn cao hơn mục tiêu 2%, nhưng rõ ràng đây là một sự cải thiện rất đáng kể so với mức cao nhất trong 4 thập kỷ là 7,1% vào tháng 6/2022. Chỉ số PCE lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) đứng ở mức 3,2% trong tháng 11 so với một năm trước đó.
Tại các thị trường lớn khác, diễn biến lạm phát cũng lạc quan hơn rất nhiều. CPI khu vực Eurozone tháng 11 tăng 2,4% (từ mức đỉnh 10,6% vào tháng 10/2022); CPI tại Anh tăng 3,9% (từ mức đỉnh hơn 11% trong năm 2022); CPI tại Trung Quốc giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm theo năm mạnh nhất kể từ tháng 11/2020… Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định lạm phát toàn cầu dự kiến ở mức 6,9% năm 2023 (giảm từ mức đỉnh 8,7% năm 2022) và tiếp tục giảm xuống 5,8% năm 2024.
Điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt hơn
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các điều kiện tài chính đã bị thắt chặt ở hầu hết các nền kinh tế lớn, phản ánh tác động tích lũy của tăng lãi suất chính sách và thắt chặt định lượng trong quá khứ, việc đánh giá lại của các bên tham gia thị trường về lộ trình lãi suất chính sách dự kiến trong tương lai cũng như một số định giá lại rủi ro trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Trên khắp thế giới, các điều kiện tài chính thắt chặt hơn đang ngày càng đè nặng lên các khoản chi tiêu nhạy cảm khi lãi suất tăng. Tuy nhiên, tổng mức tiêu dùng hộ gia đình vẫn tăng tốt hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và tiếp tục tăng trưởng ổn định ở hầu hết các nền kinh tế thị trường lớn mới nổi. Chi tiêu được hỗ trợ bởi thị trường lao động thắt chặt, với tốc độ tăng trưởng việc làm vẫn đủ mạnh để giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp tại nhiều quốc gia.
Giai đoạn cuối chu kỳ thắt chặt tiền tệ
Lạm phát giảm bên cạnh nguyên nhân quan trọng do giá hàng hóa quốc tế (nhất là giá năng lượng) giảm, còn phản ánh cuộc chiến đối phó với lạm phát của các NHTW - thể hiện qua hàng chục lần tăng lãi suất - cuối cùng đã phát huy tác dụng. Dù về cơ bản, lạm phát hiện nay vẫn cao hơn khá xa mục tiêu dài hạn của các NHTW lớn (chủ yếu xoay quanh mức 2%), nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn có nguy cơ rơi vào suy thoái và kỳ vọng các hoạt động thắt chặt trước đó tiếp tục có các tác động mang tính độ trễ sẽ khiến hoạt động thắt chặt thêm về tiền tệ khó diễn ra.
Thực tế trong các cuộc họp chính sách tiền tệ giai đoạn cuối năm 2023, rất nhiều NHTW ở các nền kinh tế phát triển - điển hình là Fed - đã dừng tăng lãi suất. Kỳ vọng thị trường và các dự báo đều cho thấy, việc nới lỏng chính sách có thể sớm diễn ra ngay trong nửa đầu năm 2024. Trong khi đó, các NHTW của một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã bắt đầu cắt giảm lãi suất khi áp lực lạm phát giảm bớt.
Đồng USD lần đầu tiên giảm giá sau 3 năm
Kết thúc năm 2023, đồng USD giảm 2,07% so với các loại đồng tiền khác, ghi nhận mức giảm hàng năm lần đầu tiên kể từ năm 2020. Điều này diễn ra trong bối cảnh dự đoán ngày càng tăng về khả năng Fed sẽ có các đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Trước đó vào năm 2022, đồng bạc xanh đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hai thập kỷ, nguyên nhân chủ yếu do các đợt tăng lãi suất liên tiếp và mạnh mẽ của Fed.
Dù dự báo nhiều khả năng đồng USD sẽ tiếp tục sụt giảm trong năm 2024, nhưng vẫn có những yếu tố cho thấy đà giảm có thể sẽ không quá lớn, hoặc thậm chí bị đảo ngược. Đơn cử, nếu lạm phát lại Mỹ “ngóc đầu” trở lại, đòi hỏi Fed phải tái diễn tăng lãi suất, hoặc đơn giản là nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ hơn kỳ vọng ngay cả khi Fed duy trì chính sách như hiện nay mà không cần nới lỏng hơn.
Thị trường tài chính toàn cầu ghi nhận những cơn địa chấn
Giá cổ phiếu của Credit Suisse lại giảm tới 70% chỉ trong vòng 5 ngày và buộc Chính phủ và NHTW Thụy Sỹ (SNB) ngày 18/3/2023 đã phải bảo trợ cho một thỏa thuận lịch sử trị giá 3 tỷ franc (3,25 tỷ USD) để UBS tiếp quản Credit Suisse. Sự sụp đổ và biến mất của Credit Suisse - một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất tại châu Âu, có hoạt động kinh doanh trên toàn cầu và là thương hiệu đã tồn tại 167 năm - thực sự là một cơn địa chấn. Đây cũng được đánh giá là một trong những vụ sụp đổ lớn nhất mà giới ngân hàng toàn cầu từng chứng kiến kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Sự sụp đổ của Credit Suisse do rất nhiều nguyên nhân nội tại và âm ỉ trước đó, tuy nhiên thực sự bùng phát vào đúng thời điểm mà thị trường tài chính toàn cầu xuất hiện căng thẳng gia tăng. Đáng chú ý trước đó trên thị trường tài chính ngân hàng Mỹ vào đầu tháng 3, chỉ trong 3 ngày từ 10 đến 12/3, liên tiếp là các vụ đổ vỡ của Silicon Valley Bank và Signature Bank - hai ngân hàng cỡ trung bình của Mỹ - do đối mặt với tình trạng mất thanh khoản và lượng tiền gửi bị rút ra ồ ạt… Dù các cơn địa chấn như vậy cuối cùng không dẫn đến hiệu ứng domino hay một cuộc khủng hoảng hệ thống quá trầm trọng khi các NHTW đã kịp thời ra tay can thiệp, hỗ trợ nhưng vẫn kéo theo các hệ lụy dai dẳng, nhất là các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn, đồng thời kịp “lôi” thêm một ngân hàng nữa của Mỹ - First Republic - rơi vào vòng phá sản vào tháng 5/2023.
Giá vàng cán mốc đỉnh cao mới
Trong quá khứ, giá vàng đã từng có những thời điểm lập các đỉnh cao mới song chưa bao giờ qua ngưỡng 2.100 USD/ounce (cho đến hết năm 2022). Tuy nhiên, năm 2023 đã viết lên “trang sử mới” với giá vàng khi ngay trong những tháng đầu năm đã chinh phục lại mốc 2.000 USD/ounce, duy trì dao động ở mức giá cao trong cả năm trước khi chính thức đạt đỉnh 2.135 USD/ounce vào ngày 4/12. Dù kết thúc năm 2023 thấp hơn đỉnh này, ở mức 2.063 USD/ounce, song đây vẫn là mức đóng cửa hàng năm cao nhất từ trước đến nay.
Tổng thể cả năm 2023, giá vàng đã tăng 13,5% so với năm 2022. Còn nếu tính từ năm 2000 (với mức giá đóng cửa cuối năm là 272,65 USD/ounce) đến 2023, giá vàng đã tăng tới 683%. Như vậy trung bình 23 năm qua, giá vàng tăng 29,6% mỗi năm.
Thế giới tiếp tục bị chi phối bởi các cuộc xung đột
Năm 2023 ghi dấu các căng thẳng, cạnh tranh địa chính trị gia tăng; xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ hai; các cuộc xung đột tiếp diễn ở khu vực Châu Phi cận Sahara; và gần đây nhất là xung đột Israel - Hamas bùng nổ ngày 7/10/2023. Trong báo cáo gần đây, OECD nhận định tác động của xung đột Israel - Hamas với nền kinh tế thế giới trong năm 2023 không lớn, nhưng cảnh báo nếu cuộc xung đột này trở nên trầm trọng hơn, lan rộng ra toàn khu vực và kéo dài sẽ làm giảm triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024. Đáng chú ý trong nửa cuối tháng 12/2023, tình hình căng thẳng trên Biển Đỏ cũng gia tăng, đặt ra những nguy cơ về gián đoạn tuyến hàng hải thương mại quan trọng của thế giới bởi đây là huyết mạch vận chuyển khoảng 1.000 tỷ USD giá trị hàng hóa toàn cầu.
Căng thẳng, cạnh tranh địa chính trị và các cuộc xung đột ngày càng gia tăng cho thấy những bất định, cản trở đối với xu hướng toàn cầu hóa, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng và hậu cần thương mại, nguồn cung dầu mỏ… của kinh tế toàn cầu chưa hề giảm bớt trong năm 2024.
EU áp dụng thuế carbon đối với hàng nhập khẩu
Từ ngày 1/10/2023, EU bắt đầu giai đoạn thử nghiệm Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cơ chế này là một trong những chính sách thuộc Thỏa thuận xanh châu Âu - Chiến lược tăng trưởng mới của EU nhằm xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển trên cơ sở một nền kinh tế sạch và bền vững. Trong giai đoạn chuyển tiếp (2024-2025), CBAM áp dụng thí điểm với bước đầu tiên là áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ các nước không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường từ năm 2024. Sau đó dự kiến cơ chế này sẽ thực hiện đầy đủ từ năm 2026.
CBAM kỳ vọng sẽ giúp EU giảm phát thải carbon ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990. Cơ chế này xây dựng dựa trên sự minh bạch về thông tin, sẽ ảnh hưởng lớn không chỉ về phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu, mà còn tác động trực tiếp tới chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp. Vì vậy, CBAM được coi là công cụ hữu hiệu để khuyến khích các doanh nghiệp ngoài châu Âu giảm lượng khí thải carbon. Theo đó, các doanh nghiệp này sẽ mất lợi thế cạnh tranh nếu không cắt giảm khí thải trong quá trình sản xuất để đáp ứng các quy định về môi trường của EU.
Khởi đầu của “sự kết thúc” kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch
Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28) bế mạc ngày 13/12/2023 với việc lần đầu tiên đề cập đến “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch” trong tuyên bố chung. Thoả thuận về khí hậu đạt được tại COP28 báo hiệu “khởi đầu của sự kết thúc” kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch bằng cách đặt nền móng cho một quá trình chuyển đổi nhanh chóng, công bằng và bình đẳng, được củng cố bằng việc cắt giảm sâu phát thải và mở rộng quy mô tài chính khí hậu.
Theo đó, các bên nhất trí đưa ra quyết định về “kiểm kê toàn cầu” nhằm tăng cường hành động về khí hậu trước cuối thập kỷ - với mục tiêu chung là duy trì giới hạn nhiệt độ nóng lên thêm trên toàn cầu ở mức 1,5°C. Việc kiểm kê này kêu gọi các bên thực hiện nhanh các hành động nhằm đạt được, ở quy mô toàn cầu, là tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030. Danh sách các hành động cũng bao gồm việc đẩy nhanh các nỗ lực hướng tới việc giảm dần năng lượng than, loại bỏ dần năng lượng hóa thạch kém hiệu quả, trợ cấp nhiên liệu và các biện pháp khác nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và bình đẳng, trong đó các nước phát triển tiếp tục dẫn đầu.
Trong ngắn hạn, các bên được khuyến khích đưa ra các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng trên toàn nền kinh tế, các lĩnh vực và danh mục phù hợp với giới hạn 1,5°C trong vòng kế hoạch hành động khí hậu tiếp theo của quốc gia (Đóng góp do quốc gia tự quyết định – NDC) vào năm 2025.
Bùng nổ các công nghệ ứng dụng AI
Xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ XX nhưng trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn là điều gì đó xa vời với nhiều người cho đến năm 2022. Và trong năm 2023, AI sáng tạo đã thực sự bùng nổ sau khi ChatGPT gây ra cơn sốt toàn cầu với 100 triệu người dùng vào cuối tháng 1 - chỉ hai tháng sau khi ra mắt. Hàng loạt mô hình tương tự với ChatGPT ngay sau đó đã được các công ty công nghệ lớn đưa ra để cạnh tranh. Deepfakes - một ứng dụng công nghệ về những hình ảnh hay video do AI tạo ra và “thật” đến mức rất khó phát hiện đó là giả - cũng là một trong những ví dụ khác về sự bùng nổ của AI sáng tạo trong năm qua.
Nếu như sự bùng nổ của AI sáng tạo trong năm 2023 mới chỉ chủ yếu nổi trội trong lĩnh vực giáo dục và giải trí thì với các mô hình đang tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt hiện nay, việc AI có thể lập luận và suy nghĩ logic như con người; có thể ứng dụng trong mọi lĩnh vực không còn là điều xa vời. Công nghệ AI thực sự đang “cách mạng hóa” cách thức vận hành của các thành phần, các lĩnh vực trong kinh tế, có thể thay đổi mạnh mẽ và định hình tương lai thị trường việc làm. Khuyến khích và khai thác được các điểm tích cực, song làm sao quản lý được sự phát triển của AI, nhất là trong đối phó với những tác hại và hệ lụy tiêu cực đang là vấn đề không dễ nhưng phải làm của các chính phủ.