Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ sụt giảm
Chỉ số của cuộc khảo sát đã giảm xuống 106,7 trong tháng 2, giảm 4,2 điểm so với mức 110,9 trong tháng 1/2023. Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng tại The Conference Board, cho biết: “Sự suy giảm niềm tin diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến tất cả các nhóm thu nhập ngoại trừ những hộ gia đình có thu nhập dưới 15.000 USD và những hộ gia đình kiếm được trên 125.000 USD”. “Niềm tin suy giảm đối với người tiêu dùng dưới 35 tuổi và những người từ 55 tuổi trở lên, trong khi cải thiện đôi chút đối với những người trong độ tuổi từ 35 đến 54”, Dana Peterson nói và cho biết thêm, những người trả lời cuộc khảo sát cũng bày tỏ một số lo ngại về “môi trường chính trị của Hoa Kỳ”.
Nhìn nhận của người Mỹ về triển vọng nền kinh tế trong những tháng tiếp theo, bao gồm kỳ vọng của họ về thu nhập và điều kiện kinh doanh, đã giảm trong tháng này, trượt xuống dưới ngưỡng mà “thường báo hiệu suy thoái sắp tới”, theo báo cáo của The Conference Board. Cuộc khảo sát cũng cho thấy, kỳ vọng lạm phát trong năm tới đã giảm thấp hơn trong tháng này, xuống còn 5,2% - thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 7,9% vào giữa năm 2022 khi lạm phát ở tốc độ tăng nhanh nhất trong bốn thập kỷ.
Khảo sát cho thấy mối lo ngại về lạm phát của người Mỹ đang giảm dần |
Trong khi cuộc khảo sát cho thấy mối lo ngại về lạm phát đang giảm dần (người Mỹ ít lo lắng hơn về giá lương thực và khí đốt tăng cao), song lại quan ngại nhiều hơn với thị trường việc làm. Một cuộc khảo sát tương tự của Đại học Michigan công bố đầu tháng này cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giữ ổn định trong tháng 2. Robert Frick, chuyên gia kinh tế doanh nghiệp của Navy Federal Credit Union, nhận định: “Thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ, chỉ kém hơn nếu so với thời điểm một năm trước khi “nhảy việc” để có mức lương cao hơn rất dễ dàng”. Theo chuyên gia này, “mùa bầu cử” đầy tranh cãi đang đến gần hơn và các cuộc bầu cử luôn ảnh hưởng mạnh đến nhìn nhận về triển vọng kinh tế.
Bằng nhiều thước đo, nền kinh tế Mỹ vẫn cho thấy nền tảng vững chắc, bao gồm cả thị trường lao động. Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng kinh tế đã đạt mức mạnh mẽ 3,3% hàng năm trong quý IV/2023 và theo công cụ GDPNow (công cụ này theo dõi dữ liệu kinh tế trong thời gian thực và sử dụng dữ liệu đó để điều chỉnh các dự đoán về triển vọng kinh tế ngắn hạn) của Fed Atlanta, dự kiến tăng trưởng duy trì ở mức 3% trong quý đầu năm nay.
Trong khi đó, dữ liệu về tuyển dụng, cơ hội việc làm và sa thải đều cho thấy thị trường việc làm ở Mỹ vẫn vững chắc. Các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 353.000 việc làm trong tháng 1 vừa qua và tỷ lệ thất nghiệp giữ ổn định ở mức 3,7%. Cơ hội việc làm vẫn cao trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới vẫn ở các mức thấp lịch sử. Nhưng điều đó không có nghĩa là người Mỹ không bị những áp lực. Lãi suất vẫn ở mức cao nhất trong 23 năm khi các quan chức Fed báo hiệu rằng họ sẽ không bắt đầu cắt giảm lãi suất vào mùa xuân này. Khả năng chi trả nhà ở - yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất thế chấp - vẫn còn rất thấp, ảnh hưởng đến giới trẻ Mỹ.
“Với lạm phát vượt quá mục tiêu, thị trường lao động thắt chặt và nhu cầu vẫn đang có động lực mạnh mẽ, quan điểm của riêng tôi là không cần thiết phải điều chỉnh sớm lập trường chính sách”, Chủ tịch Fed Kansas City, ông Jeffrey Schmid, cho biết như vậy tại một sự kiện ở Thành phố Oklahoma mới đây. Đây cũng là bài phát biểu quan trọng đầu tiên của ông Jeffrey Schmid kể từ khi đảm nhiệm vị trí này 6 tháng trước.
Cho đến nay, các nhà kinh tế đều dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại trong năm nay, nhưng sẽ không theo cách rơi xuống vực thẳm. Trên thực tế, ngày càng có nhiều nhà kinh tế và nhà đầu tư tin rằng, kinh tế dự kiến sẽ vẫn ổn định khi lạm phát trên đường đạt mục tiêu 2% của Fed. Giới phân tích gọi đó là kịch bản “hạ cánh mềm”.