Nợ đọng xây dựng cơ bản gây nhiều hệ lụy
Bộ Xây dựng: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình báo lãi từ tăng thu nợ khách hàng |
Khó trả nợ vì nhiều lý do
Không chỉ ở Quảng Nam, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản đang ảnh hưởng rất lớn đến nhiều doanh nghiệp tại nhiều địa phương. Gần đây nhất, hàng loạt doanh nghiệp tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đồng loạt gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư thanh toán tiền thi công công trình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ nhiều năm trước.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Nhiều, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thuận Nghĩa (thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho biết, một số dự án như Dự án nâng cấp mở rộng đường liên xã Ia Glai, Dự án nâng cấp, mở rộng đường liên xã Ia Hlốp... đã bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán hết tiền thi công. Doanh nghiệp đã “trầy trật” đòi nợ liên tục gần 8 năm nay với số tiền thi công chưa được thanh toán đầy đủ hơn 2,4 tỷ đồng. Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Phúc Hưng cho biết cũng đang bị chủ đầu tư nợ 722 triệu đồng...
Lý do chưa trả nợ được các chủ đầu tư cho biết, những dự án này có nguồn vốn huy động của dân đóng góp, đến nay nhiều địa phương chưa thu được; các công trình hoàn thành vào thời điểm khủng hoảng kinh tế, hồ tiêu chết, nông sản mất mùa, rớt giá rồi dịch bệnh Covid-19 nên gặp khó trong việc thu tiền quyên góp, vận động từ các hộ dân.
Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nợ xây dựng cơ bản chủ yếu ở địa phương, nhất là ngân sách tỉnh và huyện. Lý do là khi bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, các khoản thanh toán cho dự án hoặc thiếu, hoặc chưa bố trí, vì thế vốn cho dự án cũ chưa hoàn thành sẽ không được bố trí; có dự án thiếu thủ tục đầu tư nên ngân sách địa phương chưa thu xếp kịp thời.
Cũng có trường hợp chủ đầu tư hoàn thành khối lượng công trình, lên phiếu giá công trình nhưng chưa gửi tới UBND các cấp xác định, do đó chưa được bố trí vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, nên không được đưa vào kế hoạch vốn hàng năm. Vì thế, địa phương chưa có cơ sở cấp vốn cho chủ đầu tư, nợ xây dựng cơ bản phát sinh chủ yếu ở khâu này.
Các doanh nghiệp đã trao niềm tin, vay vốn để làm các dự án công nên cần tránh ảnh hưởng tối đa tới họ |
Tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp
Nợ đọng xây dựng cơ bản có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nợ đọng xây dựng cơ bản luôn đi kèm với tình trạng kéo dài thời gian hoàn thành dự án, chậm đưa công trình, dự án vào khai thác, sử dụng dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, nợ đọng còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng do bị chiếm dụng nguồn vốn lớn, trong khi vốn của doanh nghiệp lại hạn chế, chủ yếu huy động từ nguồn vốn vay. Rộng hơn, việc nợ đọng gây ảnh hưởng đến niềm tin của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, môi trường đầu tư, thu hút đầu tư của các địa phương.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) cho rằng, các doanh nghiệp đã có niềm tin, vay vốn để làm các dự án công nên cần tránh ảnh hưởng tối đa tới các doanh nghiệp. Do đó, các cơ quan liên quan cần rà soát kỹ lưỡng, kịp thời thanh toán cho doanh nghiệp khi họ có khối lượng hoàn thành. Hiện, khâu thanh toán đã được Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước đẩy nhanh, tức chỉ cần chủ đầu tư, nhà thầu xác định khối lượng hoàn thành, sau 3 ngày gửi lên họ sẽ được thanh toán; phân định rõ trách nhiệm trách nhiệm nào thuộc trung ương, trách nhiệm nào thuộc địa phương trong bố trí, phân bổ vốn.
Ngoài ra, một chuyên gia đề xuất các địa phương cần thẩm định nguồn vốn, khả năng bố trí vốn một cách nghiêm túc khi trình hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án, đồng thời phải ưu tiên bố trí trả nợ đọng xây dựng cơ bản mới được khởi công mới các công trình, dự án; đưa nội dung xử lý nợ đọng vào tiêu chí đánh giá, xếp loại người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; không yêu cầu nhà thầu ứng vốn để thi công hay yêu cầu nhà thầu thi công khối lượng vượt kế hoạch vốn đã bố trí dẫn đến gây nợ đọng xây dựng cơ bản và vượt quá khả năng cân đối vốn của các dự án. Bên cạnh đó, các nhà thầu cần nâng cao trách nhiệm, chỉ thực hiện khối lượng theo mức vốn kế hoạch năm đã được bố trí.