Phát huy đầu tư tư nhân để nâng chất tăng trưởng
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Tín dụng chính sách mang lại sinh kế, cải thiện đời sống người nghèo Nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương |
Phục hồi nhưng còn nhiều thách thức
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn từ 2019-2023, đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước tuy không xảy ra tình trạng tăng trưởng âm (như đối với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các năm 2020 và 2021, hay khu vực Nhà nước năm 2021) nhưng cũng trải qua sự suy giảm mạnh và phục hồi kém. Diễn biến tình hình vẫn không có nhiều biến chuyển đến hết quý I/2024 (tăng 4,2%) trước khi tích cực hơn vào quý II (tăng 7,9%), qua đó giúp nửa đầu năm nay có được mức tăng 6,7%.
Là khu vực có cộng đồng doanh nghiệp đông đảo nhất, đồng thời luôn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội (thường xuyên trên 55% đến 60%), tăng trưởng chậm của khu vực ngoài Nhà nước không những phản ánh những khó khăn, thách thức mà khu vực tư nhân gặp phải, mà còn là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế chung chậm lại. Như theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia, kinh tế tư nhân là khu vực vô cùng quan trọng, đóng góp khoảng 50% GDP, 19% ngân sách, 25% xuất khẩu và tạo ra 80% việc làm. Vì vậy, nếu tăng trưởng của khu vực này chậm lại sẽ khiến nền kinh tế ách tắc, tăng trưởng khó khăn.
Hiện các tập đoàn tư nhân lớn đã tham gia vào nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế |
Đây là thực tế mà các chuyên gia rất lo ngại, dẫu biết rằng những yếu tố khách quan, nhất là đại dịch Covid và những hệ lụy kéo dài của nó là một phần tác nhân không nhỏ gây ra những khó khăn trong giai đoạn vừa qua đối với hoạt động đầu tư nói chung, khu vực tư nhân nói riêng, song cũng có rất nhiều nguyên nhân chủ quan, trong nước cần tháo gỡ.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, chỉ ra một thực tế là thời gian qua, số dự án đầu tư quy mô lớn của doanh nghiệp tư nhân được khởi công không nhiều như trước đây. Nhiều quyết định của các nhà đầu tư bị trì hoãn vì những e ngại rủi ro pháp lý, vướng mắc thủ tục hành chính… Bên cạnh đó, số liệu về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động so với số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tuy lớn hơn về con số tuyệt đối, song lại thấp hơn đáng kể về tốc độ tăng. Điều này phần nào cho thấy sự tự tin khởi nghiệp, quay trở lại hoạt động chưa cao.
Đầu tư công cần là đòn bẩy cho đầu tư tư nhân
Lưu ý rằng kết quả của 6 tháng đầu năm là rất tích cực, các động lực tăng trưởng như xuất nhập khẩu, đầu tư công, du lịch, tiêu dùng, thu hút FDI… phục hồi là cơ sở để kỳ vọng vào mức tăng trưởng GDP cao hơn cho cả năm 2024, nhưng các chuyên gia cho rằng, đầu tư tư nhân vẫn đang là điểm yếu, phục hồi còn thấp so với giai đoạn trước đại dịch. “Trong bối cảnh đầu tư công cũng chỉ có giới hạn và không thể mở rộng mãi vì còn có thể ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô, đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục tích cực, song vẫn có những hạn chế nhất định, thì quan trọng nhất là phải phát huy được vai trò của đầu tư tư nhân để có được tăng trưởng nhanh và bền vững cho tương lai”, TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Một trong các mục tiêu cụ thể đặt ra tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ (Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2025 đạt khoảng 55%; đến năm 2030 khoảng 60 - 65% GDP. |
Là chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thực hiện triển khai dự án đầu tư, luật sư Bùi Văn Thành - Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới cho rằng, để thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân, quan trọng nhất là xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, và điều này cần được thể hiện trong tiếp cận nguồn lực, tiếp cận chính sách, tiếp cận đất đai và vốn. Đồng quan điểm, theo TS. Lê Duy Bình, điều quan trọng lúc này là đẩy lên niềm tin, sự hứng khởi đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho khu vực doanh nghiệp. Những vướng mắc đã được chỉ ra thời gian qua như khó khăn về thủ tục, chi phí cao, lo ngại về rủi ro pháp lý… cần được giải quyết trong tổng thể chung cũng như đối với từng dự án, từng doanh nghiệp để doanh nghiệp tự tin khi quyết định bỏ vốn đầu tư kinh doanh, đưa dòng tiền vào nền kinh tế. Cùng với đó, cần phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường, kích thích đầu tư tư nhân của đầu tư công.
“Tôi tin rằng, đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế trong năm 2024 và các năm tới, đồng thời nó cũng có thể được sử dụng như đòn bẩy để lan tỏa, thúc đẩy đầu tư tư nhân”, TS. Bình nói và cho rằng, việc khai thác tốt đầu tư công sẽ không chỉ khiến đây là động lực đóng góp vào GDP về số lượng mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng và hỗ trợ các khu vực khác, qua đó thiết lập được một cấu trúc hài hòa, bền vững của tổng thể cấu trúc vốn đầu tư toàn xã hội.
Do đó, hiệu quả của nguồn vốn đầu tư Nhà nước cũng cần được đánh giá từ góc độ tác động của nó đối với hỗ trợ và kích thích đầu tư tư nhân, trở thành một trong những tiêu chí để lựa chọn, phê duyệt các dự án được đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước. Kết quả là, nền kinh tế sẽ phát triển bền vững với cấu trúc chắc chắn, bền vững và có tính tự chủ, tự cường cao hơn, nếu như đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục đóng vai trò là trụ cột trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội.
Cũng trên tinh thần đó, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ mới đây về các báo cáo đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó liên quan đến báo cáo xây dựng dự án Luật Đầu tư công sửa đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Các nội dung đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; không đầu tư dàn trải, ngân sách đầu tư của Trung ương; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội.