Nỗ lực duy trì mặt bằng lãi suất phù hợp
Giảm lãi suất, góp phần bình ổn thị trường | |
Lãi suất cho vay kỳ vọng ổn định |
Áp lực hiện hữu
Ghi nhận trên thị trường, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động VND từ 0,1 - 0,4%/năm trong tháng 4/2022. Đơn cử như tại ABBank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 9 tháng đều được điều chỉnh tăng: lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5,5%/năm và 9 tháng tăng lên 5,6%/năm… Nam A Bank công bố biểu lãi suất huy động online với mức điều chỉnh cao nhất là 0,3%/năm, kỳ hạn 6 tháng của ngân hàng này lên mức 6,5%năm. Trước đó, Viet Capital Bank cũng điều chỉnh lãi huy động lên cao nhất 7%/năm - tăng 0,2% so với thời điểm đầu tháng 3/2022. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng có tín hiệu tăng từ đầu năm tới nay. Hiện lãi suất kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần đều trên 2%/năm, tăng mạnh so với mức 1% của hai năm 2020 và 2021.
Theo giới chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến các ngân hàng có động thái điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Đầu tiên phải kể đến áp lực lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh khi giá nhiều loại hàng hóa, đăng biệt là xăng dầu tăng cao.
Các ngân hàng đang nỗ lực tiết giảm chi phí giảm lợi nhuận để duy trì mặt bằng lãi suất thấp |
Các chuyên gia đều cho rằng, xu hướng lãi suất năm nay sẽ tăng trong bối cảnh lạm phát năm 2022 đang rất thách thức, dù quý I/2022 lạm phát bình quân đang được kiểm soát ở mức 1,92%. Tuy nhiên Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn nên khó tránh khỏi tác động trước việc giá cả nhiều loại nguyên vật liệu, hàng hóa cơ bản, đặc biệt là xăng dầu, tăng cao trên thị trường thế giới. Trên thực tế, hiện nhiều NHTW trên thế giới đã có những động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất để ứng phó với áp lực lạm phát.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, lạm phát cao sẽ gia tăng áp lực NHNN phải có những biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để giảm lượng tiền đi vào trong lưu thông. “Môi trường, điều kiện thị trường đang khiến cho lãi suất huy động gia tăng, và như vậy thì khả năng lãi suất cho vay có thể nhích lên là chuyện dễ hiểu, song nếu có cũng sẽ trong biên độ kiểm soát được của cơ quan điều hành”, TS. Hiếu nhìn nhận.
Ngoài áp lực lạm phát, nhu cầu tín dụng cũng đang tăng nhanh trở lại cùng với đà phục hồi của nền kinh tế. Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến hết quý I/2022 đạt 5,04%, cao gấp hơn 2 lần so với mức tăng 2,16% của cùng kỳ năm trước. Trong khi lãi suất là giá của đồng vốn nên trong bối cảnh cầu tăng nhanh, giá cũng chịu sức ép tăng theo. Ngoài ra hiện các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… cũng đang rất sôi động đã thu hút một phần không nhỏ dòng tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất nếu muốn thu hút dòng tiền.
Tiếp tục tiết giảm chi phí
Tuy nhiên động thái tăng lãi suất huy động mới chỉ diễn ra ở một số ngân hàng với một số kỳ hạn, chủ yếu là để cơ cấu lại nguồn vốn. Bởi hiện Chính phủ, NHNN vẫn đang chủ trương duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thấp hiện tại, thậm chí phấn đấu giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay khi có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Trong báo cáo quý I/2022, Ngân hàng UOB cũng nhận định, khả năng NHNN vẫn giữ chính sách lãi suất phù hợp, dù áp lực lạm phát gia tăng để hỗ trợ tiến trình phục hồi kinh tế sau dịch, giữa bối cảnh bất ổn do xung đột Nga - Ukraine. SSI Research cũng duy trì quan điểm NHNN sẽ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2022 để đảm bảo mặt bằng lãi suất cho vay, lãi suất huy động ở mức thấp như hiện nay. Nghị quyết số 50/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 3/2022 của Chính phủ nêu rõ, NHNN khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân...
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý II/2022 được Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) công bố mới đây cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay - huy động được các TCTD kỳ vọng tiếp tục duy trì không đổi hoặc chỉ tăng rất nhẹ 0,03 - 0,06 điểm phần trăm trong quý II/2022 và 0,13 - 0,18 điểm phần trăm trong cả năm 2022, chủ yếu dự kiến tăng lãi suất huy động.
Tuy nhiên theo giới chuyên gia, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay là mục tiêu rất thách thức với cơ quan điều hành. Mặc dù vậy TS. Châu Đình Linh cho rằng NHNN vẫn có đủ những công cụ cần thiết để điều tiết một cách hợp lý, phù hợp và linh hoạt nhất. Thực tế là cơ quan điều hành đã giảm các mức lãi suất điều hành 1,5 - 2%/năm ngay trong năm 2020 và thuộc nhóm các NHTW có mức giảm lãi suất nhanh và mạnh nhất khu vực, giúp giữ mặt bằng lãi suất điều hành ở mức thấp trong năm 2021 để giảm chi phí tiếp cận vốn, hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.
Với các TCTD không phải ở thời điểm này, mà ngay từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đã chủ động trong điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận, nỗ lực tiết giảm chi phí, thậm chí giảm lương thưởng của nhiều NHTM để tập trung giảm lãi vay với dư nợ hiện hữu cũng như các khoản cho vay mới. Nhờ vậy mặt bằng lãi suất cho vay liên tục giảm trong hai năm qua, năm 2020 đã giảm khoảng 1% và 0,82% vào năm 2021.
Dưới góc độ NHTM, lãnh đạo của SHB cho hay, ngân hàng này vẫn đang dành gói hỗ trợ cấp tín dụng trị giá hơn 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm tới 2%, miễn giảm một số phí dịch vụ để tiếp tục đồng hành cùng khách hàng trong thời gian tới. Các biện pháp hỗ trợ này được triển khai đồng thời cho cả khách hàng hiện hữu và khách hàng mới, khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Dự kiến từ nay đến cuối năm, ngân hàng tiếp tục thực hiện chủ trương của NHNN, hỗ trợ khách hàng hiện hữu và khách hàng mới thông qua việc giảm lãi suất cho vay.
Phải thẳng thắn thừa nhận, cắt giảm chi phí là điều không dễ dàng, khi ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Song bản thân các ngân hàng cũng hiểu rằng, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân - bạn hàng của ngân hàng mang ý nghĩa lâu dài. Vì khách hàng có khoẻ, có kinh doanh tốt thì hệ thống ngân hàng mới có cơ hội để phát triển và bền vững hơn. Do vậy, CEO một ngân hàng chia sẻ, ngân hàng đang cố gắng bằng nhiều giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động để có thêm dư địa tài chính hỗ trợ khách hàng. Chẳng hạn, việc áp dụng công nghệ nhiều hơn vào các hoạt động nội bộ cũng như các sản phẩm, dịch vụ trên các kênh số đã giúp rất nhiều cho ngân hàng trong tối ưu hoá năng suất lao động, gia tăng cơ hội có thêm những tệp khách hàng mới với chi phí bỏ ra là nhỏ nhất. Và quan trọng hơn cả là có thêm nguồn lực để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng.