Giảm lãi suất, góp phần bình ổn thị trường
Tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay | |
Giảm lãi suất vốn vay chính sách | |
Thanh khoản dồi dào đã giúp ngân hàng giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế |
Với vai trò đầu tàu của nền kinh tế, việc duy trì tốc độ tăng trưởng của TP.HCM rất quan trọng. TP.HCM từng đặt mục tiêu nền kinh tế số chiếm 25% vào năm 2025 và 40% năm 2030 trong GRDP. Riêng năm nay, thành phố ra kế hoạch kinh tế số đóng góp 15% GRDP. Để thành phố đạt được mục tiêu này rất cần sự hỗ trợ từ ngành Ngân hàng.
Ảnh minh họa |
Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng 3 tháng đầu năm 2022 ở TP.HCM diễn biến ổn định và duy trì được tốc độ tăng trưởng, trong đó tăng trưởng tín dụng trên địa bàn ước khoảng 3,65% so với cuối năm 2021 và tăng 13,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình thế giới, cuộc xung đột Nga – Ukraina, làm cho giá cả nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng cao đã tác động đến thị trường trong nước bởi kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài.
Do đó NHNN chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn xem xét giảm lãi suất, niêm yết công khai giá mua bán ngoại tệ và tăng trưởng tín dụng hiệu quả để bình ổn giá cả thị trường. NHNN chi nhánh TP.HCM cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho những khoản vay bị ảnh hưởng Covid-19, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, qua các chương trình tín dụng của NHNN và UBND TP.HCM; tích cực tham gia các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Song, các tổ chức tín dụng phải nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu đảm bảo an toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, việc giảm lãi suất cho vay sẽ tiết giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, giúp giữ giá thành sản phẩm, góp phần tạo ổn định thị trường. Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh thành phố, dư nợ cho vay bình ổn thị trường của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến nay đạt khoảng hơn 2.105,3 tỷ đồng, với doanh số cho vay lũy kế đạt 5.862,2 tỷ đồng cho 35 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường.
Chương trình bình ổn thị trường ở TP.HCM hàng năm diễn ra từ tháng 4 đến tháng 3 năm sau, gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn cung hàng hoá, đảm bảo chất lượng và giá cả trên thị trường. Các doanh nghiệp tham gia cho vay bình ổn thị trường được vay vốn ngân hàng lãi suất thấp hơn so với lãi suất thương mại trên thị trường.
Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM, chương trình bình ổn thị trường năm 2022-2023 các ngân hàng dự kiến cho vay lãi suất ngắn hạn 5,9-6,4%/năm; lãi suất cho vay trung dài hạn ở mức 6,5-10%/năm đối với doanh nghiệp bình ổn và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường. Mức lãi suất cho vay này thấp hơn so với lãi suất cho vay trong chương trình bình ổn thị trường năm 2021-2022 (các ngân hàng cho vay lãi suất ngắn hạn từ 4,5-8%/năm, trung dài hạn từ 6,5-11,3%/năm). Trong bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng tăng như hiện nay đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải tiết giảm mạnh chi phí hoạt động, hy sinh lợi nhuận mới có thể thực hiện giảm lãi suất cho vay như kế hoạch trên.
Chương trình bình ổn thị trường năm 2021-2022 đạt tổng doanh thu 17.381 tỷ đồng, trong đó lương thực thực phẩm đạt 16.298,1 tỷ đồng. Chương trình này đã góp phần kiềm chế chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn trong tháng 3/2022 tăng khoảng 1,71% so với tháng 12/2021 và tăng 2,03% so với cùng kỳ, thấp hơn bình quân cả nước tăng 1,91% so với cuối năm ngoái và tăng 2,41% so với cùng kỳ. Theo một chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng cao, các tổ chức tín dụng cho vay lãi suất thấp đối với doanh nghiệp bình ổn thị trường là một kênh kiềm giữ giá rất quan trọng đối với một địa bàn như TP.HCM, luôn chiếm đến 50% CPI cả nước.