Nỗ lực lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng
Người góp công đưa ngân hàng đầu tiên vào chuẩn Basel II | |
LienVietPostBank sắp hoàn thành đầy đủ 3 trụ cột Basel II | |
Sức ép tăng vốn từ các ông lớn |
Đảm bảo an toàn vốn là cốt lõi
VietCapitalBank vừa thông báo hoàn thành trụ cột thứ 2 và cũng là trụ cột sau cùng của Basel II - quy trình đánh giá tính đầy đủ vốn nội bộ (ICAAP). Như vậy đến nay đã có 7 ngân hàng đáp ứng cả 3 trụ cột của Basel II, bao gồm: VIB, Vietcombank, SeABank, TPBank, VPBank, MSB và VietCapitalBank.
Theo chia sẻ của đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, tính tới thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã áp dụng chuẩn Basel II theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn; một số ngân hàng đã xây dựng kế hoạch để áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN chậm nhất kể từ ngày 1/1/2023. Chỉ có một vài TCTD khác đề nghị được áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN.
Vietcombank là một trong 7 ngân hàng đã hoàn thành toàn bộ cả 3 trụ cột của Basel II |
Trên thực tế, trước ảnh hưởng của Covid-19, nợ xấu tăng lên đã làm giảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), khiến cho nhiều ngân hàng chậm trong việc đạt được mục tiêu áp dụng Thông tư 41. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính, an toàn vốn được coi như chỉ tiêu cứng, mang tính lượng hóa hoàn toàn, dễ dàng nhìn thấy để nói tới năng lực cạnh tranh, khả năng tài chính cũng như các an toàn rủi ro của ngân hàng. Bởi vậy việc áp dụng Thông tư 41 theo chuẩn Basel II là yếu tố quyết định cho sự bền vững.
Cũng vì lẽ đó nên dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch Covid-19, song các chuyên gia cho rằng ngân hàng vẫn nên tính toán và đẩy mạnh quá trình triển khai các tiêu chuẩn của Basel II, đặc biệt là đảm bảo an toàn vốn bởi đây không chỉ là biện pháp ngắn hạn, mà là yếu tố dài hạn để giúp ngân hàng tăng cường sức khoẻ, tăng khả năng chống chịu được rủi ro phát sinh. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, rất khó để nói chắc chắn về diễn biến của dịch Covid-19 trên thế giới còn kéo dài bao lâu, nên nếu trường hợp việc áp dụng Thông tư 41 phải dời lại thì sẽ không đạt được mục tiêu đề ra, trong khi đó Thông tư 41 là phần cốt lõi của Basel II.
Nhìn ở một khía cạnh khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tăng vốn vẫn được xem là thách thức nhất với hệ thống ngân hàng, nhưng thực tế đây lại là cách giải quyết dễ nhất để tiệm cận gần hơn với Basel II. Vì đơn giản, nếu không tăng được vốn thì những quy định khác ngân hàng sẽ càng không thể đáp ứng được. Ngân hàng chưa đủ năng lực vốn, thì phải tính toán tới thay đổi cơ cấu tín dụng, cơ cấu lại tài sản, tiết giảm chi phí… để phần nào đó bù đắp sự thiếu hụt về tài chính, có sự tích lũy để tiến tới áp dụng quy định khi đã chín muồi.
Nhận thức toàn diện về quản trị rủi ro
Tại buổi lễ trao Quyết định bổ nhiệm Thống đốc NHNN mới đây, một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho tân Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng như ngành Ngân hàng là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; có cơ chế để các TCTD phát triển lành mạnh, bền vững; và cần đặt mục tiêu Việt Nam có ngân hàng lọt vào top đầu các ngân hàng tốt nhất khu vực.
Có thể nói, tiến trình xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững không gì khác ngoài yêu cầu phải tái cấu trúc, nâng cao năng lực của các TCTD, nhất là về chất lượng tài sản, khả năng sinh lời, đảm bảo hệ số an toàn vốn cũng như nâng cao năng lực quản trị. Basel II là yêu cầu tất yếu của tiến trình hiện đại hóa ngân hàng, cho phép các nhà băng đo lường rủi ro hơn chứ không phải giả định, giám sát rủi ro chặt hơn và do đó sẽ kiểm soát tốt hơn.
“Việc áp dụng Basel II sẽ giúp các nhà băng phản ứng nhanh, chủ động trong quản lý rủi ro thay vì phản ứng theo thay đổi do hoàn cảnh; ngân hàng sẽ được xếp hạng tốt hơn; đặt ra những tiêu chuẩn tương ứng với thực tiễn tốt nhất; duy trì mô hình kinh doanh bền vững và tăng trưởng để phát triển. Basel II cũng gia tăng giá trị cho cổ đông”, một chuyên gia nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng chia sẻ thêm, bản thân từng ngân hàng phải coi quản lý rủi ro là một trong những khâu rất quan trọng để có thể đảm bảo hoạt động an toàn bền vững, đây cũng là điều kiện quyết định sinh tồn của không chỉ một ngân hàng riêng lẻ nào mà là của toàn bộ hệ thống tài chính. Vì thế, theo chuyên gia này, quản trị rủi ro phải được đặt cao hơn yếu tố về lợi nhuận. Lợi nhuận phản ánh khả năng sinh lời, nhưng yếu tố về mặt quản trị rủi ro mới là điểm mấu chốt để quyết định tới việc bảo đảm an toàn cho cả ngân hàng và khách hàng. Muốn vậy quản trị rủi ro phải được thực thi tại tất cả các khâu của hoạt động ngân hàng. Ngân hàng phải đánh giá được rủi ro ở cấp độ nào, đồng thời phải kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm hoạt động có hiệu quả, an toàn cao hơn, mới tính tới lợi nhuận nhiều hơn.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng bên cạnh vốn, thách thức lớn hơn với hệ thống ngân hàng Việt Nam đến từ những quy định mang tính chuẩn mực về hoạt động. “Quy định hoạt động ra sao, cách thức quản lý, tiêu chuẩn như thế nào để vận hành thật sự là bài toán của cả hệ thống ngân hàng”, chuyên gia này nêu quan điểm. Chính điều này sẽ đòi hỏi sự thay đổi từ cấp lãnh đạo tới từng nhân viên trong nhận thức, trình độ, tác phong… thì mới thích ứng được với yêu cầu chuẩn mực mới.
Trên thực tế, không chỉ tích cực trong đẩy nhanh áp dụng Thông tư 41, các TCTD đã ý thức và chú trọng hơn trong việc quản trị rủi ro và tăng cường tính minh bạch thông tin hoạt động theo quy định của pháp luật, đặc biệt là triển khai thực hiện Thông tư số 13/2018/TT-NHNN về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, các ngân hàng tập trung rà soát, cập nhật, hoàn thiện hệ thống các quy định nội bộ về các lĩnh vực nghiệp vụ; thiết lập bộ máy kiểm tra, kiểm soát, quản lý rủi ro; nâng cao hiệu quả giám sát của HĐQT, Ban điều hành đối với hoạt động của ngân hàng. Tách biệt chức năng quản trị của HĐQT với chức năng điều hành của Ban điều hành; đi cùng với đó thiết lập và tuân thủ nghiêm ngặt hạn mức rủi ro, tăng cường công tác báo cáo rủi ro, sai phạm; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần trách nhiệm của cán bộ các cấp trong thực thi nhiệm vụ; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng…
Những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong quá trình thực hiện cơ cấu lại đã góp phần quan trọng bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, tạo nền tảng kinh tế vĩ mô bền vững, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện ở việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm liên tục điều chỉnh tăng triển vọng xếp hạng trong các năm gần đây.