“Nở rộ” bảo hiểm tài khoản ngân hàng
Bảo hiểm, Ngân hàng: Mong lùi áp dụng hợp đồng mẫu Vietcombank đứng đầu bảng xếp hạng các thương hiệu bảo hiểm, ngân hàng Việt Nam |
Mức phí bảo hiểm khá phù hợp
Theo quan sát, hiện nay hàng loạt các công ty bảo hiểm đã chính thức triển khai các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm tài khoản trong giao dịch trực tuyến.
Có thể kể đến các sản phẩm, như: Bảo hiểm Bảo an tài khoản của Agribank (do ABIC triển khai), Bảo hiểm toàn diện thẻ ghi nợ của VietinBank (VBI), Bảo hiểm Bảo an Tài khoản của BIDV (BIC). Hay Bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng CyberGuard của SHB (của BSH), Bảo hiểm thẻ thanh toán của MB (của MIC), Bảo hiểm bảo an chủ thẻ của VPBank (của PTI)…
Tìm hiểu chi tiết một số dòng sản phẩm bảo hiểm kể trên cho thấy, mức phí và phạm vi bảo hiểm được các doanh nghiệp bảo hiểm thiết kế khá phù hợp với nhu cầu của khách hàng và diễn biến thực tế trên thị trường.
Chẳng hạn, đối với sản phẩm Bảo an tài khoản của Agribank của ABIC, mức phí được quy định là 77.000 đồng/năm. Khách hàng có thể được chi trả quyền lợi gấp 6.000 lần chi phí (tối đa 46 triệu đồng/tài khoản/năm) khi xảy ra các sự cố mất tiền do vô tình đăng nhập vào các trang web giả mạo; bị lộ thông tin hoặc bị tấn công bởi các phần mềm độc hại.
Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm tài khoản ngân hàng, bảo hiểm rủi ro trong giao dịch trên không gian mạng là hướng đi sát thực với nhu cầu của khách hàng |
Đối với gói bảo hiểm thẻ ghi nợ của VietinBank của VBI, mức phí là 3.000-5.000 đồng/thẻ/tháng. Khách hàng có thể nhận được quyền lợi bảo hiểm khá lớn, như: bảo hiểm giao dịch gian lận thẻ (tối đa 100 triệu đồng/người/năm (áp dụng cho các giao dịch mua sắm trực tuyến, thanh toán tại cửa hàng, giao dịch ATM…); bảo hiểm trễ chuyến bay (thanh toán lại tối đa 3 triệu đồng/vé), bảo hiểm cướp tiền tại cây ATM (tối đa 10 triệu đồng/vụ việc).
Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Thành viên HĐQT ABIC, mức phí mua bảo hiểm giao dịch trực tuyến hiện nay khá cạnh tranh và các dòng sản phẩm bảo hiểm tài khoản ngân hàng đang bắt đầu thu hút được khách hàng, nhất là nhóm khách hàng đăng ký tài khoản mới.
“Sau hơn 6 tháng ra mắt (từ tháng 3/2023-PV) đến nay, ABIC đã chi trả cho 13 trường hợp là nạn nhân của lừa đảo trên mạng. Mức bồi thường bình quân là khoảng 20 triệu đồng/vụ. Mức này khá phù hợp với rủi ro, thiệt hại của khách hàng vì đa số các vụ việc chiếm đoạt tiền trong tài khoản dao động khoảng 50 triệu đồng (tương đương mức thấu chi ở nhiều NHTM và không đủ lớn để cơ quan công an điều tra mở chuyên án)”, ông Hoàng cho biết.
Chia sẻ rủi ro với người dùng cuối
Theo đánh giá của các đại lý bảo hiểm, việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm tài khoản, bảo hiểm rủi ro trong giao dịch trên không gian mạng là hướng đi thực tế với nhu cầu của khách hàng. Các công ty bảo hiểm nên mở rộng nhóm sản phẩm này bởi giao dịch thương mại trực tuyến hiện nay đã trở nên phổ biến trong xã hội.
Để cạnh tranh thu hút khách hàng, các chuyên gia cho rằng ngoài mức phí bảo hiểm cần thiết kế phù hợp thì phạm vi bảo hiểm phải bao phủ được những rủi ro phổ biến mà người dùng tài khoản ngân hàng, người tham gia thương mại trực tuyến thường gặp phải. Từ đó thiết kế những gói quyền lợi tương thích, phù hợp.
Trong khi đó, ở góc độ thị trường, các doanh nghiệp bảo hiểm và các sàn thương mại điện tử lớn cũng như các doanh nghiệp có hệ sinh thái bán hàng trực tuyến rộng khắp có thể nghiên cứu, hợp tác để đưa ra các gói bảo hiểm mua hàng online hoặc phối hợp với các ngân hàng, trung gian thanh toán để phân phối các dòng bảo hiểm tài khoản thanh toán, bảo hiểm giao dịch điện tử.
Về khía cạnh pháp lý, từ tháng 11/2023 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn triển khai Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm mới. Trong đó, có các quy định chi tiết về: cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên không gian mạng, về phối hợp giữa các trang thông tin điện tử, website thương mại với các doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm… Do đó, nếu các doanh nghiệp bảo hiểm chú trọng phát triển nhóm sản phẩm bảo hiểm vi mô này thị trường sẽ có ngày càng nhiều sản phẩm giúp phân tán rủi ro trong giao dịch trực tuyến, hạn chế thiệt hại cho người dùng cuối do tội phạm mạng gây nên.
Ở phía ngân hàng, theo thông tin từ Vụ Thanh toán, trong thời gian tới NHNN sẽ sửa đổi Quyết định 630/QĐ-NHNN, cho phép các TCTD áp dụng xác thực sinh trắc học đối với giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng vượt hạn mức giao dịch nhất định. Có thể sẽ quy định hạn mức buộc phải xác thực sinh trắc học là 10 triệu đồng. Việc này, cùng với lộ trình hoàn thiện hành lang pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt và phối hợp với các bộ ngành làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản ngân hàng với dữ liệu cá nhân, dữ liệu thuê bao di dộng sẽ tạo ra “rào chắn” bảo vệ tốt hơn cho người dùng trực tuyến trước tình trạng tội phạm mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trực tuyến ngày càng gia tăng.