“Nới lỏng” không phải là “cây đũa thần”
Thị trường vàng 20/2: Tìm kiếm mức cao kỷ lục mới | |
Việt Nam và câu chuyện lựa chọn chính sách ứng phó dịch Covid-19 |
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những đề xuất này bởi không ít người đã xem biện pháp nới lỏng tiền tệ như là một cây đũa thần để hỗ trợ nền kinh tế, thậm chí ngay cả khi một ngành, một lĩnh vực mỗi khi gặp khó khăn.
Ảnh minh họa |
Nay đề xuất “nới lỏng tiền tệ” còn viện dẫn những động thái chính sách của một số NHTW trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines để tạo thêm sức nặng cho quan điểm của mình. Thế nhưng họ dường như quên mất một điều cơ bản là điều kiện của mỗi nền kinh tế là rất khác nhau, tác động của dịch Covid-19 đến những nền kinh tế này cũng không giống nhau nên không thể có một mẫu số chung cho chính sách tiền tệ được.
Chẳng hạn như với Trung Quốc, rõ ràng là dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước này khi mà sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, song việc NHTW nước này có những động thái nới lỏng tiền tệ một phần cũng bởi những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Hay như Thái Lan, không phủ nhận một trong những nguyên nhân khiến NHTW nước này cắt giảm lãi suất là do dịch Covid-19 làm du lịch sụt giảm mạnh, trong khi lĩnh vực này đóng góp tới 20% GDP của Thái Lan. Tuy nhiên, còn một lý do nữa đó là đồng bath Thái tăng giá mạnh gần 8% so với USD trong năm 2019 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu và qua đó là kinh tế Thái Lan, nên việc giảm lãi suất cũng gián tiếp để kéo giảm đồng bath Thái.
Trong khi đó nhiều NHTW khác trên thế giới, bao gồm cả Fed, dù coi Covid-19 là một trong những rủi ro lớn song chỉ có tác động trong ngắn hạn, chưa đủ để làm thay đổi quan điểm chính sách tiền tệ của họ. Trong bài phát biểu điều trần mới đây trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho rằng Fed sẽ theo dõi sát diễn biến của dịch Covid-19, song khẳng định chính sách tiền tệ hiện tại là phù hợp để duy trì đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ tiếp tục.
Quay trở lại với Việt Nam, không phủ nhận dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, liệu việc nới lỏng tiền tệ có giải quyết được những khó khăn này, có làm cho những chuyến xe chở dưa hấu, thanh long đang ùn tắc tại cửa khẩu được thông quan nhanh chóng hơn; có giúp cho các doanh nghiệp dệt may, da giày có được nguồn nguyên phụ liệu để sản xuất?... Rõ ràng là không.
Trên thực tế, tình trạng nông sản cứ đến mùa lại cần được giải cứu, hay sự phụ thuộc của nhiều ngành sản xuất - xuất khẩu vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đã tồn tại từ lâu và mang tính cơ cấu mà muốn xử lý dứt điểm, phải cần một chính sách đồng bộ, sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành; đặc biệt là từ phía người dân, doanh nghiệp, chứ không thể trông vào một mình chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, việc nới lỏng tiền tệ có thể ảnh hưởng tới lạm phát, tỷ giá, qua đó ảnh hưởng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, điều rất cần đối với nền kinh tế trong những giai đoạn biến động hiện nay. Chẳng hạn như với lạm phát, nhiều tổ chức đang cảnh báo đây là một trong những rủi ro lớn nhất đối với điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay. Thậm chí theo kịch bản xấu nhất mà Tổng cục Thống kê vừa đưa ra mới đây, CPI bình quân năm 2020 có thể tăng tới 4,86% so với năm 2019. Từ đó cơ quan này kiến nghị, để đạt mục tiêu kiểm soát CPI bình quân khoảng 4%, NHNN nên điều hành giữ ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mức lạm phát cơ bản trong khoảng từ 2 - 2,5%.
Hay như việc nới lỏng tiền tệ sẽ khiến tỷ giá tăng, qua đó không chỉ ảnh hưởng tới lạm phát mà còn tới nợ nước ngoài của quốc gia, doanh nghiệp; ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu và làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư. Điều đó còn nguy hiểm hơn nhiều.
Bởi vậy, giải pháp khả thi nhất hiện nay cũng đang được NHNN triển khai đó là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch. Trong khi chính sách tiền tệ cần tiếp tục được điều hành linh hoạt, thận trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động khó lường và còn nhiều ẩn số như hiện nay.
Đó chính là lý do tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Chính phủ đã yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối…