Việt Nam và câu chuyện lựa chọn chính sách ứng phó dịch Covid-19
Covid-19 và cơ hội của nền kinh tế | |
Chủ động ứng phó với mọi diễn biến |
Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường |
Trước những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, thời gian gần đây, các tổ chức kinh tế lớn đã đồng loạt điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế của nhiều nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng với biên độ dao động lớn, theo chiều hướng đi xuống.
Nhận định về vấn đề trên, bộ phận phân tích Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, việc điều chỉnh dự báo theo chiều hướng đi xuống ngay từ những tháng đầu tiên của năm 2020 đã thể hiện những vấn đề kinh tế - xã hội đáng lo ngại như độ bất định ngày càng lớn và triển vọng kinh tế kém khả quan.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn khó lường và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa thực sự chấm dứt, thì việc cân nhắc lựa chọn các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như thế nào có ý nghĩa quyết định đến việc hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19 cũng như ngăn chặn đà suy giảm kinh tế của các nước.
Theo VDSC, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam có thể cân nhắc xem xét các lựa chọn chính sách mà các quốc gia trong khu vực hiện đang áp dụng nhằm đối phó với dịch Covid-19.
Trước tiên là Trung Quốc. Đây là quốc gia khởi nguồn của hai dịch bệnh liên tiếp, dịch tả lợn châu Phi (AFC) và dịch Covid-19. Cùng với ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại với Mỹ trước đó, kinh tế Trung Quốc đang bị suy kiệt với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2019 chỉ đạt 6,1%, mức thấp nhất trong 30 năm qua.
Để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các biện pháp mạnh như cắt giảm lãi suất cho vay trung dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp, bơm thêm 173 tỷ USD vào nền kinh tế.
Việc giảm lãi suất ngắn hạn rồi trung hạn và bơm thanh khoản được xem là động thái mở đường cho việc giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) của Trung Quốc, dự kiến sẽ được điều chỉnh vào 20/2 tới đây. Trước những chính sách mạnh tay của Trung Quốc, thị trường chứng khoán nước này đã có phản ứng tích cực trở lại. Tính đến hết ngày 17/2, chứng khoán Trung Quốc đã gần hồi phục về thời điểm trước khi sụt giảm mạnh vào phiên mở cửa đầu tiên của năm 2020.
Mặc dù vậy, tác động của các chính sách trên mới chỉ là ảnh hưởng tích cực ban đầu. Về tổng thể, trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế nước này được dự báo vẫn khó đạt được con số 6%.
Đối với Thái Lan, năm 2020, tăng trưởng kinh tế nước này được dự báo ở mức 2,8%, cách khá xa so với mức 3-5% trong 2017-2019. Một trong những nguyên nhân chính cho việc suy giảm kinh tế ở Thái Lan là do đồng Bath đã mất giá 3,4% kể từ đầu năm đến nay.
Với sự sụt giảm mạnh trong tăng trưởng kinh tế cùng triển vọng kém khả quan trước ảnh hưởng dịch Covid-19, Thái Lan cũng đã lựa chọn phương án cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong khi đó, Malaysia và Đài Loan được dự báo sẽ đưa ra những gói chính sách hỗ trợ nhắm vào một số nhóm ngành cụ thể chịu tác động mạnh từ dịch cúm Covid-19, thay vì cắt giảm lãi suất điều hành trên diện rộng.
Cụ thể, Đài Loan công bố kế hoạch chi 2 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt lĩnh vực vận tải và du lịch với các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp tổ chức tour du lịch hay giảm thuế cho các hãng vận tải. Nguồn thu từ lĩnh vực du lịch ở mức 30 tỷ USD, tương đương 2% tổng quy mô nền kinh tế Đài Loan trong năm 2019.
Tại Malaysia, dự kiến ngày 27/02 tới, Chính phủ nước này sẽ công bố gói kích cầu tập trung vào 03 lĩnh vực trọng yếu, hàng không, bán lẻ và du lịch.
Trở lại Việt Nam, VDSC cho biết, mỗi quốc gia đều có những đặc điểm riêng biệt khác nhau trong mối quan hệ giao thương với Trung Quốc. Vì vậy, việc lựa chọn các chính sách kinh tế như thế nào cũng sẽ có những tác động và ảnh hưởng tương đối khác nhau.
Vì vậy, yếu tố thận trọng cần phải được quan tâm hàng đầu trong việc hoạch định chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, Việt Nam cần tránh vội vàng đưa ra những điều chỉnh lớn với tác động trên diện rộng. Việc huy động hệ thống ngân hàng giúp duy trì dòng tiền của doanh nghiệp và gói hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong các lĩnh vực cụ thể như vận tải, du lịch và nông nghiệp là điều cần thiết để hạn chế tối đa rủi ro có thể có.
Đáng chú ý, theo VDSC, các dự báo kinh tế hiện tại thiếu tính đồng nhất và dao động trong biên độ lớn do các giả định đặt ra đều dựa trên khả năng kiểm soát được dịch bệnh.
Dư địa cắt giảm lãi suất vẫn còn nhưng thời điểm có lẽ sẽ diễn ra trong quý II khi các mô hình dự báo kinh tế được cập nhật các dữ liệu thực tế nhằm đánh giá quá trình tái sản xuất tại Trung Quốc và tác động lan tỏa tới nền kinh tế các nước trong khu vực.
Vì vậy, “đặt ra chính sách tiền tệ ổn định hỗ trợ dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế cùng chính sách tài khóa mở rộng hướng vào lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng được xem là giải pháp khả dĩ tại thời điểm này”, theo VDSC.