Nông sản vẫn gặp khó để vào siêu thị
Xúc tiến việc liên kết tiêu thụ nông sản địa phương với TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Nông cho biết, địa phương có 169 tổ chức, cá nhân áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn khác trong sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích được chứng nhận trên 25.333 ha. Trong đó, hơn 2.000 ha áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hơn 460 ha áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ, hơn 22.790 ha áp dụng các tiêu chuẩn khác. Tỉnh có 52 sản phẩm OCOP, trong đó 6 sản phẩm đạt 4 sao, 46 sản phẩm 3 sao. Tuy nhiên, ông Tòng cũng cho rằng, sản phẩm của Đắk Nông chủ yếu là ở dạng thô, mức độ đa dạng hóa và phát triển sản phẩm chế biến sâu chưa cao, chưa có nhiều đột phá về chất lượng nên vẫn còn khó khăn trong việc "lên kệ" trong siêu thị.
Ảnh minh họa |
Đắk Nông là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên có điều kiện để phát triển các loại cây trồng tạo ra những mặt hàng nông sản có năng suất và chất lượng cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay các loại nông sản tiêu biểu của tỉnh Đắk Nông bao gồm các sản phẩm như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, khoai lang, ngô và nhiều cây ăn trái khác là xoài, bơ, sầu riêng… với sản lượng rất lớn đang vào mùa thu hoạch. “Mặc dù sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông rất đa dạng về chủng loại, có chất lượng cao, tuy nhiên đầu ra hiện nay không ổn định, chưa kết nối được với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản; chưa khẳng định được thương hiệu trên thị trường cũng như cầu nối đầu ra bền vững cho người nông dân. Nông sản của tỉnh vào được hệ thống siêu thị tại TP.HCM còn rất ít”, Phó Giám đốc Sở Công thương Đắk Nông Võ Công Tuấn nhìn nhận.
Cũng như vậy, ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cho biết, địa phương đã có đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm để hỗ trợ ngành nông nghiệp. Hiện tỉnh có 16 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, nhiều sản phẩm đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng trong và ngoài nước. Song hiện nông sản của tỉnh Hậu Giang chủ yếu tiêu thụ tại chợ đầu mối; số lượng được đưa vào siêu thị còn rất nhỏ, chủ yếu là bán thử nghiệm với số lượng không đáng kể. Ngoài ra, nông sản của nông dân khi đưa vào siêu thị thường còn gặp trở ngại về việc thanh toán, đảm bảo nguồn cung...
Về phía nhà phân phối hệ thống bán lẻ siêu thị, đại diện MM Mega Market Việt Nam cho biết đang triển khai đồng hành cùng người nông dân Việt phát triển nông sản hữu cơ, tốt cho sức khỏe với sản lượng dồi dào để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước. Theo đại diện hệ thống MM Mega Market, đơn vị này đã làm việc với tỉnh Đắk Nông để thu mua cà chua, bơ, ớt và sau này sẽ mua thêm một số trái cây khác. MM Mega Market có kế hoạch mở trạm trung chuyển tại Đắk Nông để phục vụ tốt hơn việc thu mua nông sản địa phương. Ngoài ra, hệ thống siêu thị này còn tập trung kết nối với 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên thông qua chương trình khuyến mãi sản phẩm "Mùa nào thức nấy" và mở rộng các kênh mua hàng. Với tỉnh Hậu Giang, MM Mega Market cũng đang tổ chức thu mua một số loại hải sản như cá thác lác, cá tra...
Các chuyên gia lưu ý, khi tiếp cận được kênh phân phối hiện đại, hệ thống bán lẻ siêu thị, nhà cung cấp sẽ quảng bá được sản phẩm tới nhiều đối tượng khách hàng. Do đó, siêu thị phải lựa chọn hàng hóa tốt nhất để đưa lên kệ. Các siêu thị đòi hỏi sản phẩm đưa vào hệ thống của mình phải có thương hiệu.
Tuy nhiên, hiện nhiều nhà sản xuất không nắm được công nghệ sản xuất an toàn, không chủ động được thị trường. Thậm chí, nông dân thiếu liên kết thông tin với nhà bán lẻ và người tiêu dùng vẫn còn phụ thuộc thương lái tự do và doanh nghiệp bao tiêu. Hơn nữa, việc đưa hàng hóa, nông sản vào siêu thị đang gặp nhiều khó khăn bởi chủ yếu nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không đáp ứng được các yêu cầu chặt chẽ của hệ thống siêu thị. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, các địa phương cần chủ động có những giải pháp thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn, theo hình thức liên kết chuỗi... Ngoài ra, công tác kết nối cung - cầu cũng cần chặt chẽ hơn…
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM cho rằng, sức mua của thị trường TP.HCM rất lớn nên được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm. Tuy vậy, nguồn cung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Có doanh nghiệp của thành phố muốn xuất khẩu 1 container bưởi da xanh mỗi ngày mà không thể nào thu mua được đủ số lượng và đạt chất lượng dù đã giao dịch với hàng trăm nhà vườn.
Cùng với đó, “Nhà cung cấp mới muốn đưa hàng vào siêu thị sẽ phải đối mặt tiêu chuẩn khắt khe về giá cả, chất lượng, phương thức giao hàng và phải chấp nhận thanh toán chậm 3-6 tháng. Ngoài ra, khi siêu thị nhận hàng của thương hiệu, nhà cung cấp mới vào thì phải loại bỏ một mặt hàng cũ…”, ông Phương nêu rõ.