Ông Vũ Viết Ngoạn: Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn nhất
Bên lề Hội nghị “Ổn định tài chính khu vực Đông Á” chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Hội nghị Ổn định tài chính khu vực Đông Á lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, với tư cách là đơn vị tổ chức ông có thể nói đôi điều về Hội nghị lần này?
Ông Vũ Viết Ngoạn |
Hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á có ý nghĩa lớn khẳng định thông điệp của Chính phủ Việt Nam gửi đến cộng đồng tài chính quốc tế là Việt Nam kiên định con đường cải cách tài chính và tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để xây dựng một hệ thống lành mạnh. Đồng thời thể hiện trách nhiệm quốc tế của nước ta đối với những vấn đề mà quốc tế và khu vực đang quan tâm.
Trước thềm hội nghị CG (Hội nghị nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt Nam 2012) nếu chúng ta đưa được bức thông điệp mạnh mẽ về cải cách tài chính sẽ giúp cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam, từ đó có những tiếng nói chung để đi đến hợp tác thuận lợi.
Với chủ đề là ổn định tài chính, ông có thể đưa ra đánh giá của mình về tính ổn định và an toàn của hệ thống tài chính Việt Nam trong mối tương quan chung của khu vực và thế giới?
Nếu đánh giá nghiêm túc thì những tiêu chuẩn đánh giá về tài chính của Việt Nam còn khác xa so với chuẩn mực của tài chính quốc tế.
Đặc biệt, năm 2008 – 2009 khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra thế giới tiếp tục nâng cao các tiêu chuẩn về an toàn tài chính. Điều đó, đặt Việt Nam trước yêu cầu càng phải đẩy nhanh hơn nữa việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào hệ thống tài chính của Việt Nam.
Tuy nhiên, cho đến nay ngay cả một số tiêu chí trong Basel I Việt Nam vẫn chưa đạt được. Nói như thế không có nghĩa rằng chúng ta phải hoàn thiện hết các tiêu chí của Basel này rồi mới áp dụng Basel khác mà cái gì áp dụng được chúng ta phải tiến hành ngay.
Chính phủ khẳng định rằng việc tái cấu trúc hệ thống tài chính lần này trọng tâm sẽ đặt vào các NHTM, vậy ông đánh giá như thế nào về tính an toàn hiện nay của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam?
Vào thời điểm cuối năm 2011 thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng rất khó khăn, nhiều ngân hàng do gặp phải vấn đề nợ xấu đã bị mất thanh khoản, tâm lý của thị trường lúc đó rất nặng nề.
Tuy nhiên, những biện pháp của Chính phủ và NHNN như: Khẳng định quyền lợi của người gửi tiền, bơm vốn ứng cứu ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, kiểm soát việc mở rộng và đầu tư của các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản…
Cho đến nay tình hình thanh khoản của toàn hệ thống đã khá hơn so với thời điểm trên rất nhiều.
Công việc quan trọng nhất lúc này là phải tập trung giải quyết vấn đề nợ xấu để khơi thông nguồn tín dụng trong nền kinh tế.
Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giá rằng: Việt Nam chưa có bước đột phá trong vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt là vấn đề sở hữu chéo. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Một số khó khăn hiện nay mang tính chất cơ cấu và có những khó khăn mang tính chất tích tụ từ khá lâu mà muốn giải quyết được thì chúng ta cần có thời gian, nguồn lực cũng như giải pháp phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Vì vấn đề này có sự khác nhau ở mỗi nước, không thể áp dụng cứng nhắc hay khuôn mẫu.
Bước đầu về nhận dạng những rủi ro đó đã được Việt Nam tiến hành, đây là một bước quan trọng trước khi có những bổ sung về quy chế nhằm ngăn chặn những rủi ro tương tự có thể phát sinh trong tương lai.
Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm trong vấn đề này, do đó tôi tin rằng thời gian tới vấn đề này sẽ được giải quyết một cách dứt điểm và rõ ràng.
Xin cảm ơn ông!
Theo TTVN