Open API - mở rộng hệ sinh thái số của ngân hàng
Xu hướng phát triển Open API trong ngành Ngân hàng BIDV Open API - Định hình dịch vụ tài chính tương lai |
Một trong những xu thế phát triển hệ sinh thái số trên thế giới trong thời gian tới là ngân hàng nhúng - các dịch vụ ngân hàng được tích hợp vào các ứng dụng, phần mềm, nền tảng mới. Theo đó, ngân hàng có thể “nhúng” các sản phẩm, dịch vụ của mình vào các ứng dụng, phần mềm, nền tảng của các doanh nghiệp khác nhằm phục vụ mọi phát sinh nhu cầu tài chính của người dùng. Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết, trước mắt, BIDV triển khai 15 gói API với các tính năng được sử dụng phổ biến, được nhiều khách hàng lựa chọn bao gồm truy vấn thông tin ngân hàng, BIDV QR, eKYC khách hàng cá nhân, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, ví điện tử… Đối tác có thể dễ dàng tìm hiểu, sáng tạo và tích hợp sản phẩm ngân hàng trên ứng dụng, nền tảng của mình. Trong thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục bổ sung các sản phẩm API mới như dịch vụ tài trợ thương mại, tín dụng, bảo lãnh… để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngay sau khi chính thức ra mắt Open API, BIDV đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa BIDV với Công ty Cổ phần MISA, Công ty TNHH EzCloud toàn cầu, Công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến (đơn vị sở hữu ví điện tử MOMO) và Công ty Cổ phần Dịch vụ EPAY; ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2024-2028 với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)… Có thể nói việc nhanh chóng mở rộng các đối tác là cơ sở để BIDV phát triển nhanh Open API khi mà xu hướng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số đã trở thành yêu cầu tất yếu.
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, trong 9 tháng đầu năm 2023, thanh toán qua điện thoại di động đã tăng trưởng hơn 60% và qua QR Code tăng 105%. Theo số liệu được Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) công bố cuối tháng 11/2023: tính đến hết quý III/2023, toàn thị trường có 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 52 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động. So với cùng kỳ năm 2022 cho thấy, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49,32% về số lượng; giao dịch qua kênh Internet tăng 60,30% về số lượng và 5,66% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 60,82% về số lượng và 9,71% về giá trị; qua phương thức QR Code tăng 105,33% về số lượng và 10,66% về giá trị. Số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 15,24% về số lượng và 21,78% về giá trị. Chỉ trong năm nay, hệ thống NAPAS xử lý bình quân hơn 20 triệu giao dịch/ngày, tăng tương ứng 52% số lượng và 12% về giá trị giao dịch. Riêng số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 62% về số lượng và 13% về giá trị, thanh toán qua quét VietQR tăng 8 lần về số lượng và 4 lần về giá trị giao dịch so với năm 2022.
Những con số kể trên cho thấy người dùng Việt đang ngày càng ưa chuộng và sử dụng thường xuyên hơn dịch thanh toán không tiền mặt trong chi tiêu hàng ngày. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), sự ra mắt hệ thống BIDV Open API đã thể hiện quyết tâm đẩy mạnh hệ sinh thái số, mang lại giá trị cho cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng của BIDV. “Các đơn vị khác kết nối vào chúng ta, tại sao chúng ta không có TCTD kết nối vào các hệ sinh thái của doanh nghiệp để khai thác tiềm năng nhiều bên?”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, NHNN đề nghị các TCTD tiếp tục đẩy mạnh hợp tác ngân hàng, fintech và các công ty cung cấp giải pháp số cho người dùng cuối. Trong thời gian tới, để tạo hành lang pháp lý cho các TCTD phát triển sản phẩm, dịch vụ số NHNN sẽ xây dựng Thông tư về Open API, dự kiến ban hành trong năm 2024. Cùng với đó, NHNN đã xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox). Thời gian qua, NHNN đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan để trao đổi, thống nhất, hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị định, trình báo cáo Chính phủ để triển khai các bước tiếp theo. Cùng với việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) đến hết ngày 31/12/2024, Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ Mobile-Money trước tháng 5/2024.
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ tài chính điện tử sẽ là cơ sở quan trọng để các TCTD tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cung cấp cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ ngày càng tiện ích, tiết giảm chi phí cho người người dùng đồng thời phát huy nguồn lực của nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế.