PAPI 2021: Sức khỏe và kinh tế là mối quan tâm lớn nhất
Tiếp tục quyết liệt cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác điều hành |
Dịch bệnh tác động tới nhiều chỉ số
Phát biểu tại Lễ công bố PAPI 2021, bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, báo cáo năm nay chỉ ra một số điểm sáng đó là người dân ghi nhận sự cải thiện ở một số mặt về cơ sở hạ tầng cơ bản và an ninh, trật tự ở địa phương. Thể hiện qua mức độ hài lòng cao hơn với chất lượng đường sá, tiếp cận nước sạch, thu gom rác thải cũng như ít phải đối mặt với tội phạm như trộm cắp, đột nhập, cướp giật hơn trước.
Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch Covid-19, mức độ hài lòng của người sử dụng các dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh đã giảm sút. Bên cạnh đó, số người dùng dịch vụ của khối bệnh viện công tuyến huyện cho biết, họ phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn cũng tăng nhẹ. Ngoài ra, điểm chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân” giảm mạnh so với hai năm trước 2019 và 2020. Sự sụt giảm này có thể là do chính quyền địa phương không xử lý được số lượng lớn các đơn thư, yêu cầu của người dân đối với các chính sách hỗ trợ và ứng phó liên quan đến Covid-19 trong năm 2021.
Toàn cảnh lễ công bố |
TS. Paul Schuler - Phó Giáo sư khoa học chính trị, Đại học Arizona, chuyên gia tư vấn của UNDP về kiểm soát chất lượng khảo sát cho biết, trước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, y tế và bảo hiểm y tế trở thành mối quan tâm lớn nhất của người dân, bên cạnh tăng trưởng kinh tế của đất nước và việc làm.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình tiếp tục giảm 11% so với năm 2020 khi sự lạc quan của người dân với tình hình kinh tế hộ gia đình giảm xuống lần đầu tiên sau gần một thập niên tăng lên từng năm. Cùng với đó, tỷ lệ người trả lời cho biết họ bị mất việc làm và thu nhập tăng 10% vào năm 2021 so với năm 2020.
Địa phương dẫn đầu về chỉ số PAPI năm nay là Thừa Thiên - Huế với 48,059 điểm. Bình Dương đứng thứ hai với 47,178 điểm và Thanh Hóa đứng thứ ba, đạt 47,102 điểm.
So với kết quả của năm 2020, 30 tỉnh, thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường và quản trị điện tử. Tuy nhiên, 30 tỉnh, thành phố có sự sụt giảm về điểm ở các chỉ số nội dung “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, “trách nhiệm giải trình với người dân” và “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Đáng chú ý, điểm chỉ số nội dung "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" lần đầu tiên giảm sút kể từ năm 2016 khi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bắt đầu.
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, TP.HCM thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất.
Kết quả này phản ánh phần nào thực tế tác động nặng nề của giãn cách xã hội toàn phần kéo dài do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư ở địa phương này.
TTHC và dịch vụ công tiếp tục được đánh giá cao
Nhìn vào bức tranh tổng thể của Chỉ số PAPI 2021, có thể thấy, thủ tục hành chính (TTHC) công và cung ứng dịch vụ công tiếp tục là những chỉ số được đánh giá cao. Cụ thể, với cung ứng dịch vụ công, có tới 50 tỉnh, thành phố đạt điểm số năm 2021 cao hơn đáng kể so với điểm chỉ số nội dung này của năm 2020. Phần lớn các tỉnh, thành phố có mức gia tăng trên 5% điểm, và đạt từ 7,14 đến 8,46 điểm.
Với TTHC công, điểm số các tỉnh dao động trong khoảng hẹp từ 6,64 đến 7,77 điểm. Các tỉnh, thành phố trong nhóm dẫn đầu phân bố khá đều trên toàn quốc. Tuy nhiên, các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ dường như tụt lại phía sau, tương tự kết quả năm 2020.
Về các chỉ số khác, TS. Đặng Hoàng Giang - Nhóm nghiên cứu PAPI thông tin, với chỉ số Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, khi so sánh với kết quả khảo sát năm 2020, 14 tỉnh, thành phố có mức gia tăng về điểm đáng kể, trong khi đó cũng có hơn 30 tỉnh, thành phố có mức sụt giảm. Tất cả các tỉnh, thành phố chỉ đạt dưới 6 điểm trên thang điểm từ 1-10.
Đáng chú ý, chỉ số thứ ba là Trách nhiệm giải trình với người dân, tất cả các tỉnh, thành phố chỉ đạt dưới 5 điểm. Không có tỉnh, thành phố nào đạt mức cải thiện đáng kể so với 2020. Điểm số của các tỉnh Bến Tre, Cao Bằng, Quảng Bình và Quảng Trị giảm hơn 20% qua hai năm.
Về chỉ số Quản trị môi trường, tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc chỉ đạt dưới 5 điểm (dưới mức trung bình). Trung tâm của mối quan ngại về môi trường vẫn là khu vực đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ nơi tập trung nhiều tỉnh, thành phố phát triển công nghiệp.
Đối với chỉ số Quản trị điện tử, tất cả các tỉnh, thành phố chỉ đạt dưới 4 điểm, tương tự kết quả 2020. Các nội dung “Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương” và “Phúc đáp của chính quyền qua cổng thông tin điện tử” có điểm còn rất thấp.
Dù đại dịch Covid-19 có tác động nhất định đến chỉ số PAPI 2021 tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra, dịch bệnh không phải là yếu tố tác động đến mọi mặt của quản trị và hành chính công trong năm 2021. Các chỉ số ít liên quan trực tiếp đến đại dịch hơn cũng có xu hướng thay đổi đáng lo ngại. Đơn cử như về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, 2021 là năm đầu tiên kể từ năm 2015 chứng kiến sự sụt giảm nhẹ về điểm người dân đánh giá hiệu quả phòng, chống tham nhũng của chính quyền địa phương.
Hiện đang có khoảng cách tương đối xa giữa tỉnh có điểm thấp nhất và tỉnh có điểm cao nhất, từ 5,42 đến 8,15. Trong khi 20 tỉnh, thành phố có mức gia tăng điểm số đáng kể thì ngược lại, 20 tỉnh, thành phố khác có mức giảm đáng kể so với 2020.
Tương tự, với chỉ số Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương, tất cả các tỉnh, thành phố chỉ đạt từ 4,2 đến 6,25 điểm. Chỉ có 13 tỉnh, thành phố có mức cải thiện đáng kể, trong khi có tới 23 tỉnh, thành phố có số điểm sụt giảm đáng kể so với 2020. Từ góc độ thực thi Luật Tiếp cận thông tin, ở hầu hết các tỉnh, thành phố, chỉ có khoảng 20% số người cần thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước cho biết đã nhận được thông tin họ cần.
Theo các chuyên gia, nhìn sâu vào từng chỉ tiêu cụ thể của PAPI chính là chìa khóa để các tỉnh, thành phố đáp ứng được tốt hơn mong đợi của người dân. Nhu cầu này đặc biệt quan trọng để hiểu tác động của đại dịch Covid-19 lên quản trị và giúp các địa phương chuẩn bị cho những khủng hoảng về kinh tế và y tế trong tương lai.