Phân định rõ vốn nhà nước và vai trò chủ sở hữu
Nhà nước chỉ là cổ đông…
5 năm trước Luật 69 được ban hành đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hoàn thiện hơn cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Tuy nhiên sau 5 năm triển khai, đã đến lúc nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật số 69 vì trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đã có thay đổi. Ngoài ra, trong quá trình triển khai Luật số 69 và các văn bản hướng dẫn cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế bất cập.
Khi bàn đến việc sửa luật này, theo giới chuyên gia vấn đề then chốt là khái niệm vốn nhà nước và nhà nước với vai trò là chủ sở hữu. “Không sửa được quy định về vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thì việc sửa luật không có giá trị”, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương phát biểu và cho rằng, “hiện Luật 69 làm lẫn lộn và không phân biệt được về mặt pháp lý tài sản của doanh nghiệp và tài sản nhà nước”. Theo ông, nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp tức là nhà nước trở thành cổ đông và tất cả vốn và tài sản nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp là của doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp, thì chỉ có vốn doanh nghiệp mà không có vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp dùng vốn để đầu tư mua tài sản thì tài sản là tài sản của doanh nghiệp.
Trong doanh nghiệp chỉ nên có vốn của doanh nghiệp |
Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, phải làm rõ vốn nằm ở doanh nghiệp là do doanh nghiệp làm chủ sở hữu quản lý, sử dụng, định đoạt hay là nhà nước vẫn là chủ sở hữu. “Làm rõ vấn đề này thì mới minh bạch được vấn đề quản lý, quản trị của doanh nghiệp hiện nay”, ông Tiến khẳng định.
Bởi nếu coi vốn của nhà nước ở doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu thì nhà nước định đoạt, quyết định, như vậy doanh nghiệp sẽ không được quyền sử dụng định đoạt. Trong khi nếu là doanh nghiệp tư nhân, khi một cá nhân góp vốn vào doanh nghiệp để kinh doanh bằng một mảnh đất thì người góp vốn bằng đất phải chuyển quyền sở hữu mảnh đất đó cho doanh nghiệp đứng tên và doanh nghiệp được toàn quyền định đoạt mảnh đất đó, còn người góp vốn chỉ quan tâm là đồng vốn mình đầu tư vào doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển như thế nào, thu cổ tức ra sao và khi thoái vốn thì giá trị gia tăng bao nhiêu.
“Làm được như vậy là sẽ phân tách được vấn đề sở hữu của cơ quan đại diện sở hữu nhà nước với quyền của doanh nghiệp và sở hữu của doanh nghiệp. Phải làm rõ như vậy thì mới có thể giúp cho doanh nghiệp yên tâm. Đây chính là nội dung đột phá trong sửa luật lần này”, ông Tiến nói.
… và là nhà đầu tư chuyên nghiệp
TS. Phan Đằng Chương - Phó tổng giám đốc Lãnh đạo dịch vụ tư vấn Công ty TNHH Ernst Young Việt Nam cũng cho rằng, cần làm rõ các khái niệm vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp, vốn nhà nước để tại doanh nghiệp. Hơn nữa luật sửa đổi chỉ nên tập trung vào quản lý “vốn” nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, không nên tập trung vào giải quyết các vấn đề về quản trị và vận hành của doanh nghiệp vì những điều này đã được quy định trong khuôn khổ các luật khác như Luật Doanh nghiệp, các khung luật hướng dẫn về quản trị doanh nghiệp.
Cũng cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Khoa - Trưởng ban Pháp chế thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, Luật 69 không phải là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp mà là “Luật Quản lý DNNN vì các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước quản lý mọi hoạt động của DNNN gồm cả tổ chức, bộ máy, đến vấn đề đầu tư vốn, đầu tư xây dựng… lẫn tiền lương, thu nhập của người lao động. Đây là nguyên nhân khiến DNNN không dám mạnh dạn mở rộng đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Một điểm khá rối nữa là quy định về chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Trong khi trên thực tế, hàng loạt các quy định quản lý nhà nước đang “lẫn” sang chủ sở hữu. DNNN không có được quyền tự chủ kinh doanh đúng như bản chất vốn có của một doanh nghiệp và DNNN ở tình trạng “một cổ đa tròng”.
“Định chế và cách thức thực hiện quyền chủ sở hữu có quá nhiều tầng nấc, phức tạp; sai lệch, không phù hợp với quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế; kém hiệu lực, kém hiệu quả”, ông Cung nói. Quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung là “chủ sở hữu” DNNN đều là “đại diện”; nhưng đại diện chủ sở hữu cũng phải có đầy đủ quyền sở hữu. Chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu, thực hiện quyền chủ sở hữu về bản chất là thực hiện vai trò “nhà đầu tư” chuyên nghiệp; không chia nhỏ vai trò đó và không thực hiện thông qua một, hay một vài cá nhân…
Cũng bởi vậy theo ông Đặng Quyết Tiến, “nếu không phân định được vấn đề sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quyền của doanh nghiệp thì bất kỳ một doanh nghiệp nào khi làm họ rất “run” trước tài sản nhà nước, việc phải xin ý kiến của các cơ quan đại diện đồng ý mới được làm dẫn tới họ sẽ không tự chủ và né tránh trách nhiệm”.
Một số ý kiến đề nghị đổi tên thành Luật Quản lý đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp chứ không phải là Luật Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Và “luật sửa đổi phải hướng đến việc nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu đối với đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp như một nhà đầu tư có trách nhiệm trong kinh tế thị trường. Cơ quan chủ sở hữu là một nhà đầu tư, chịu trách nhiệm về tất cả số cổ phần và các khoản đầu tư riêng lẻ tại các doanh nghiệp cụ thể và không thực hiện quyền chủ sở hữu thông qua người đại diện các loại”, ông Cung kết luận.