Pháp lý chưa hoàn thiện, gian lận bảo hiểm tăng
Cảnh giác với trò lừa đảo hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp |
Mảng xám do ảnh hưởng từ dịch bệnh
Năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành bảo hiểm trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu sức ép khá lớn từ việc tăng thêm số lượng các hợp đồng phải bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cũng cho thấy, kết thúc năm 2021 tổn thất được bảo hiểm trên toàn cầu đạt mức 106 tỷ USD, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thị trường bảo hiểm Việt Nam, dù giá trị tổn thất phải bồi thường không quá lớn so với mọi năm (tính riêng mảng bảo hiểm nhân thọ ước khoảng 30.000 tỷ đồng) nhưng số lượng vụ việc tranh chấp, gian lận về hợp đồng, về mức bồi thường… dẫn tới kiện tụng lại tăng rất mạnh. Chỉ tính riêng số vụ việc các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ giải quyết thông qua dịch vụ hỗ trợ bồi thường của Công ty cổ phần Tư vấn Bảo hiểm Việt Nam đã lên tới hàng ngàn vụ.
Nhu cầu bảo hiểm của người dân và các vụ gian lận - tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm cũng tăng theo |
Ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch IAV cho biết, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, nhiều vụ tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm đã bị tạm dừng thụ lý, giải quyết. Đến thời điểm cuối năm 2021, hàng trăm vụ việc đã được ngành tòa án các địa phương thụ lý nhưng tốc độ giải quyết còn chậm, do vướng mắc nhiều về pháp lý. Trong thời gian gần đây thị trường xuất hiện hàng chục vụ tranh chấp nhỏ với giá trị từ 15-21 triệu đồng. Cá biệt có một số vụ lớn, đích thân IAV đã phải đại diện quyền lợi hợp pháp của hội viên tố giác người mua bảo hiểm lên Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) do nhận thấy khách hàng đó có dấu hiệu gian dối trong kê khai mua bảo hiểm, nhằm trục lợi số tiền khoảng 20 tỷ đồng từ 13 công ty bảo hiểm.
Ghi nhận thực tế từ một số hãng bảo hiểm trong nước, trong năm 2022 tình trạng gian lận, kê khai không trung thực của khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ đã có sự gia tăng. Các hành vi gian lận trong khai báo đơn yêu cầu bảo hiểm, giả mạo chữ ký để điều chỉnh hợp đồng, khai báo không trung thực về tình trạng sức khỏe… xảy ra khá phổ biến ở lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Đơn cử, Prudential Việt Nam, trong năm vừa qua 20% số vụ doanh nghiệp từ chối chi trả bồi thường rơi vào trường hợp người mua bảo hiểm kê khai không trung thực. Trong khi đó, ở nhiều hãng bảo hiểm khác như Aviva, FWD, Dai-ichi, các trường hợp khách hàng làm giả hồ sơ y tế để mua bảo hiểm, tự gây thương tích để đền bù cũng chiếm tỷ lệ lớn trong số các vụ việc doanh nghiệp bảo hiểm từ chối bồi thường.
Cần "trám" kịp thời lỗ hổng pháp lý
Theo các luật sư và chuyên gia lĩnh vực bảo hiểm, hiện nay tốc độ xử lý các vụ việc tranh chấp liên quan đến bồi thường bảo hiểm còn chậm. Mỗi vụ việc kiện ra tòa án thường phải mất hơn hai năm để giải quyết do vướng mắc nhiều quy định về trình tự, thủ tục. Trong khi đó, cơ chế giải quyết tranh chấp lĩnh vực bảo hiểm hiện vẫn chưa được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, vì thế các hình thức như thương lượng, hòa giải, trọng tài bảo hiểm chưa được áp dụng. Hầu như tất cả các vụ việc đều phải giải quyết qua hệ thống tòa án các cấp, khiến kéo dài thời gian và khó xử lý dứt điểm.
Mặt khác, bà Trần Thị Dung, Công ty cổ phần Tư vấn Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi nên bổ sung thêm các quy định về phòng ngừa gian lận bảo hiểm. Song song đó phải tạo ra cơ chế thương lượng, hoà giải chuyên biệt cho lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, Bộ Tài chính, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cần xây dựng một kênh quy định về giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bảo hiểm để tiếp nhận các thông tin khiếu nại, tố cáo của người dân đối với những sai phạm của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. Từ đó, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp chi tiết, cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như xử lý vi phạm hành chính một cách công khai, minh bạch.
Trong khi đó, để ngăn ngừa hành vi trục lợi bảo hiểm, Luật sư Huỳnh Trung Hiếu đến từ Công ty luật Contracts - Việt Nam cho rằng, các giải pháp cơ bản vẫn là cần tạo ra những nhân tố minh bạch và cảnh báo cho thị trường. Trong đó, bên cạnh việc luật hóa thống nhất và cụ thể các quy định về chế tài, xử phạt các hành vi gian lận thì việc phát triển hệ thống dữ liệu bảo hiểm cũng sẽ tăng thêm chức năng phát hiện và giám sát. Hệ thống dữ liệu bảo hiểm này, theo ông Hiếu, cần được xây dựng sớm và đáp ứng các tiêu chí như: đảm bảo là hệ thống mở để người dân và doanh nghiệp có thể truy cập miễn phí hoặc có trả phí tùy theo mục đích sử dụng cá nhân hay thương mại; hướng đến sự minh bạch thông tin của toàn thị trường, trong đó bao gồm cả các thông tin về kỹ thuật, nghiệp vụ, pháp lý, thương mại, lịch sử đối tượng, lịch sử rủi ro và lịch sử bồi thường.
Theo kinh nghiệm quản lý giám sát, ngăn ngừa gian lận bảo hiểm ở một số quốc gia như Anh, Canada… TS. Bạch Thị Nhã Nam - Khoa Luật, Đại học Kinh tế Luật TP.HCM cho rằng việc thành lập các cơ quan chuyên trách phòng, chống gian lận bảo hiểm cũng là một giải pháp hữu hiệu. Bởi cơ quan này sẽ là đầu mối kết nối dữ liệu chung về bảo hiểm, hỗ trợ các doanh nghiệp thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi sai phạm, đồng thời kết nối với các doanh nghiệp để chia sẻ dữ liệu, xử lý các vụ việc thông qua các biện pháp thương lượng, hòa giải và trọng tài bảo hiểm.