Phát hành cổ phiếu ESOP: Mũi tên trúng nhiều đích
Bởi lẽ, điều này không chỉ nhằm tăng vốn điều lệ, gia tăng sức mạnh tài chính mà còn tạo ra sự liên kết chặt chẽ hơn giữa người lao động và ngân hàng, nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên.
Vừa qua, một loạt ngân hàng phát đi thông báo sẽ phát hành cổ phiếu ESOP, ông có nhận định như thế nào về xu hướng này?
ESOP được hiểu nôm na là việc các doanh nghiệp bán cổ phiếu cho nhân viên xuất sắc, người lao động theo các tiêu chí được chọn với giá ưu đãi - thường thấp hơn nhiều so với giá giao dịch trên thị trường. Đây là một xu hướng phổ biến trên thế giới, các doanh nghiệp, ngân hàng Việt cũng đã triển khai từ lâu.
Với ngành Ngân hàng, cùng với phương án phát hành cổ phiếu ra công chúng, thời gian qua nhiều ngân hàng cũng thực hiện tăng vốn bằng phương án phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên. Nguồn phát hành cổ phiếu ESOP thường lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của ngân hàng.
Vừa qua, một loạt nhà băng đã thông báo việc sẽ phát hành cổ phiếu ESOP, tuỳ từng ngân hàng sẽ có mức giá ưu đãi, số lượng cổ phiếu ESOP và điều kiện mua khác nhau. Đơn cử như Nam A Bank dự kiến phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu ESOP trên bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, trong năm thứ 2 sẽ giải tỏa 50% số cổ phiếu còn lại.
Hay Techcombank trình cổ đông thông qua việc chào bán 19,8 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động, tương ứng tỷ lệ 0,2815% vốn điều lệ. Sau khi hoàn thành đợt chào bán, vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng thêm 198 tỷ đồng. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu và cũng bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm…
Điều này sẽ có tác động như thế nào tới ngân hàng và người lao động, thưa ông?
Khi phát hành cổ phiếu ESOP thành công, điều đầu tiên đó là ngân hàng có thể gia tăng vốn điều lệ. Đây là nguồn lực cần thiết giúp các ngân hàng đối phó với những thách thức trong môi trường kinh tế biến động. Bên cạnh đó nó còn giúp các ngân hàng đáp ứng tốt hơn các điều kiện về an toàn vốn như hệ số CAR, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ... để mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ngoài ra, khi người lao động có cổ phần tại ngân hàng sẽ nâng cao hiệu quả làm việc để góp sức cho sự phát triển của công ty mà chính họ cũng là cổ đông. Đây là chính sách động viên người lao động rất tốt, họ sẽ có trách nhiệm, mối quan hệ gắn bó chặt chẽ hơn với ngân hàng, từ đó tạo ra sự tận tâm, tận tuỵ, trung thành của người lao động. Bên cạnh đó, còn khuyến khích cán bộ nhân viên, thu hút nhân tài và giữ chân những cán bộ nhân viên có năng lực phục vụ lâu dài cho ngân hàng.
Chính sách này vừa bảo đảm phúc lợi cho nhân viên mà các ngân hàng không phải tốn nhiều chi phí. Bởi theo chuẩn mực kế toán đang áp dụng tại Việt Nam, khoản chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu ESOP và thị giá không bị phản ánh vào chi phí lương, thưởng.
Để kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP thành công, theo ông các ngân hàng cần lưu ý điều gì?
ESOP là một trong những phương án tăng vốn tối ưu, đạt được nhiều lợi ích cho ngân hàng nhưng điều này cũng khiến một số cổ đông không bằng lòng về vấn đề pha loãng cổ phần. Tuy nhiên, cần nhìn nhận tới mục tiêu lâu dài là xây dựng khối đoàn kết, nâng cao tinh thần làm việc của đội ngũ nhân viên, như vậy các kế hoạch của ngân hàng sẽ đảm bảo thành công, mang lại hiệu quả kinh doanh rất tốt.
Dù vậy, “game tăng vốn” chưa bao giờ là dễ dàng, ESOP cũng như vậy. Ngân hàng phải cân nhắc dựa trên bối cảnh thị trường, chiến lược kinh doanh trong từng thời điểm. Ngân hàng có khả năng quản trị tốt, chiến lược rõ ràng, tạo niềm tin cho người lao động thì bản thân mỗi nhân viên mới có động lực để mua ESOP. Ngoài ra, ngân hàng cũng phải duy trì việc chăm sóc quyền lợi của cổ đông hiện hữu. Nhìn chung, ESOP là một phương án tăng vốn rất tốt và dự báo trong thời gian tới, sẽ còn nhiều ngân hàng triển khai hình thức này.
Xin cảm ơn ông!