NHCSXH tỉnh Đắk Lắk: Góp phần to lớn thực hiện giảm nghèo bền vững
NHCSXH Đắk Lắk: Viết tiếp khát vọng vùng đất đỏ Đắk Lắk: Tín dụng chính sách xã hội tăng 16,2% |
Để rõ hơn sự thành công trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc trao đổi với ông Đào Thái Hoà, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Đắk Lắk về vấn đề này.
Xin ông cho biết vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo tại tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua?
Mặc dù, chính quyền tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội luôn nỗ lực chăm lo đời sống của người dân. Song do tác động từ nhiều yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh Covid-19… dẫn đến vẫn còn một bộ phận có hoàn cảnh khó khăn, tái nghèo...
Trong bối cảnh đó, các chương trình tín dụng chính sách được NHCSXH tỉnh Đắk Lắk chuyển tải đến tất cả các thôn, buôn trên địa bàn bằng việc cho vay ủy thác qua các hội đoàn thể. Từ đó, tạo điều kiện để người nghèo, đối tượng chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, học tập, tạo việc làm mới, ổn định chỗ ở… Qua đó, người nghèo từng bước có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chương trình tín dụng chính sách góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, được sự quan tâm của NHCSXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk và sự phối hợp chặt chẽ từ các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, sự đồng tình ủng hộ của người dân, chi nhánh không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyển tải vốn đến hộ nghèo, các đối tượng chính sách.
Có thể khẳng định, vai trò của tín dụng chính sách xã hội là rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk. Các chương trình được triển khai sâu rộng và đi vào cuộc sống, thực sự mang lại hiệu quả. Nhờ đó, các mục tiêu giảm nghèo của địa phương luôn đảm bảo hoàn thành.
Ông có thể nói rõ hơn về những kết quả đạt được của các chương trình tín dụng chính sách xã hội triển khai tại địa phương trong những năm qua?
Thời gian qua, chi nhánh quyết liệt triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, kịp thời giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng để phát huy hiệu quả nguồn vốn. Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn trên 7.947 tỷ đồng, tăng khoảng 569 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 33.723 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn, với tổng số tiền gần 1.561 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn đạt hơn 7.890 tỷ đồng, tăng 534,5 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (tỷ lệ tăng trưởng 7,27%), với trên 173.000 khách hàng còn dư nợ. Nợ quá hạn và nợ khoanh hơn 8,3 tỷ đồng, khoảng 0,11% tổng dư nợ, giảm gần 1,1 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trên địa bàn Đắk Lắk có 2 huyện, 108/184 xã, 578/691 hội đoàn thể cấp xã, 3.926/4.056 tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn.
Đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác chuyển sang NHCSXH đạt gần 386 tỷ đồng.
Để đồng vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách được phát huy hiệu quả, chi nhánh tập trung nâng cao chất lượng tín dụng. Làm được điều đó chính nhờ vào năng lực của đội ngũ cán bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với các hội đoàn thể và sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Từ đó, thực hiện thường xuyên việc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay. Nhất là khi NHCSXH thực hiện ủy thác cho các hội, đoàn thể và sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt.
Nguồn nhân lực quyết định chất lượng tín dụng, vậy thời gian qua chi nhánh thực hiện công tác này như thế nào, thưa ông?
Với vai trò là tổ chức tín dụng đặc thù, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; có đặc điểm riêng, vừa phải đảm bảo tính chất tín dụng, vừa mang tính xã hội hóa. Do đó, việc kiện toàn mô hình quản lý luôn được coi trọng; tập trung huy động sức mạnh tổng hợp trong quản lý nguồn vốn và chuyển tải nguồn vốn đến tay khách hàng để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo.
Phải khẳng định rằng, đội ngũ cán bộ điều hành, tác nghiệp của NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách; nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm. Mạnh dạn tiếp nhận, quản lý an toàn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Cùng với đó là công tác phối hợp với các hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở các cấp trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ làm uỷ thác cho Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn cũng như tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người vay vốn. Chi nhánh luôn chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của công việc ngày càng cao.
Chính yếu tố con người tạo nên sự thành công của chi nhánh. Hoạt động của NHCSXH tỉnh Đắk Lắk không ngừng phát triển ngày càng ổn định; nguồn vốn phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt. Chính sách tín dụng ưu đãi đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân tỉnh Đắk Lắk.