Phát triển công nghệ mới dẫn lối cho ngân hàng số
Đây là vấn đề được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo chuyên đề với chủ đề “Phát triển dịch vụ ngân hàng số: Xu thế và giải pháp công nghệ mới” được tổ chức ngày 12/10 và nằm trong khuôn khổ Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2022.
Tạo ra nhiều thay đổi lớn
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt nhiệm vụ chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ ngân hàng số…; tại Quyết định 810 ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đặt ra mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) phát biểu tại Hội thảo. |
Với định hướng đó, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN), cho biết thời gian qua, các ngân hàng tại Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, triển khai hoặc hợp tác với các công ty công nghệ, công ty fintech, các đơn vị cung ứng dịch vụ triển khai những mô hình kinh doanh sáng tạo, ứng dụng các giải pháp, công nghệ số như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo/máy học, tự động hóa quy trình bằng rô-bốt (RPA), kết nối dữ liệu mở qua Open API... để nâng cao hiệu quả hoạt động và cung cấp trải nghiệm khách hàng vượt trội. Nhờ đó, quá trình chuyển đổi số của ngân hàng đã tạo ra rất nhiều sự thay đổi trong quá trình sử dụng dịch vụ và nhu cầu của khách hàng.
Ông Donovan Yong, Phó Chủ tịch phụ trách sản phẩm, Bộ phận dữ liệu và dịch vụ, Mastercard phân tích, nhờ có công nghệ mới, người dùng không còn thấy những dòng người xếp hàng tại quầy giao dịch của ngân hàng như những năm 1980-1990 để làm những giấy tờ, thủ tục mà có thể ở nhà làm giấy tờ qua ứng dụng, mở tài khoản trực tuyến, mua hàng và dịch vụ trực tuyến; một bức hình chụp màn hình chuyển tiền thành công sẽ có đầy đủ thông tin… thông qua ứng dụng ngân hàng số.
“Có thể thấy, quá trình chuyển đổi số của ngân hàng thực chất là hành trình học theo thói quen sử dụng dịch vụ của khách hàng để mang đến những trải nghiệm tối ưu nhất. Do đó, khách hàng luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong quá trình số hóa”, ông Donovan Yong nói.
Thực tế, ông Dương Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh AI, FPT Smart Cloud, cho biết khách hàng của ngân hàng mong muốn có những giải pháp để không cần phải sử dụng nhiều thao tác nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao, vì vậy ứng dụng trí tuệ nhân tạo là giải pháp được đặt ra. Ngân hàng mong muốn nhanh chóng áp dụng công nghệ này cũng đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp cung ứng.
Là nhà cung cấp giải pháp công nghệ, FPT Smart Cloud đã phát triển tính năng trợ lý ảo trên điện thoại, sử dụng dễ dàng bằng những thao tác chạm, giọng nói để thực hiện các tác vụ. Qua đó, khách hàng có thể thực hiện kiểm tra số dư tài khoản, lịch sử thanh toán, chuyển tiền tự động, khóa/mở thẻ… Với trợ lý ảo, tính chính xác cao, thực hiện đúng tác vụ được yêu cầu từ người dùng, vận hành liền mạch, không bị ngắt quãng.
Không chỉ trí tuệ nhân tạo, nhiều ngân hàng còn mong muốn áp dụng các giải pháp về dữ liệu số để cải thiện mối quan hệ, chủ động tương tác để hiểu rõ hơn về khách hàng, hạn chế rủi ro và đưa ra những tư vấn cá nhân hóa.
Trước yêu cầu được đặt ra, bà Nguyễn Minh Nguyên Thành, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á AkaBot (FPT Software), cho biết doanh nghiệp đã nhanh chóng áp dụng công nghệ Hyper Automation tích hợp ba yếu tố vận hành, tư duy và phân tích để thay thế các tác vụ thủ công; thẩm định, xử lý thông tin và ra quyết định hành động; đo lường, tối ưu, lên kế hoạch.
"Khi áp dụng giải pháp này vào khối tài chính - ngân hàng sẽ giải quyết được rất nhiều rào cản như giảm thiểu được sai sót trong xử lý dữ liệu thủ công, tỷ lệ xử lý tự động, không tắc nghẽn lên đến 95% với tỷ lệ chính xác tới 99%. Bằng kinh nghiệm triển khai với các khách hàng, đơn vị nhận được hiệu quả cao và phản hồi rất tích cực", bà Nguyễn Minh Nguyên Thành cho biết.
Toàn cảnh Hội thảo. |
“Thẩm thấu” dịch vụ số vào cuộc sống
Nhờ có những giải pháp nêu trên, công nghệ số thẩm thấu đến các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng một cách tự nhiên, không gượng ép, được minh chứng qua các dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao, cung cấp trải nghiệm giao dịch, hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số không thua kém các công ty fintech, công ty công nghệ; một số dịch vụ, giải pháp đã triển khai thành công, đi vào cuộc sống, ông Lê Anh Dũng cho biết.
Tuy nhiên, để ngành Ngân hàng chuyển đổi số thành công, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại là chưa đủ. Theo các chuyên gia, quan trọng nhất vẫn là phải làm sao để ngân hàng đưa được các dịch vụ số tiếp cận nhiều hơn và nhanh hơn đến khách hàng. Các ngân hàng có tham gia vào các mạng xã hội để truyền thông marketing vì số lượng người dùng nhiều và thời gian tương tác lớn, nhưng cũng cần kiểm soát được rủi ro cũng như những tình huống không tích cực, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến khủng hoảng truyền thông.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Đỗ Hữu Hưng, Tổng giám đốc Accesstrade, cho rằng ngân hàng số cần thay đổi cách tiếp cận với khách hàng. Theo đó, ngân hàng số không chỉ dừng lại ở cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà còn phải khơi gợi nhu cầu, tiếp cận, tạo trải nghiệm và thay đổi thói quen của họ.
Bên cạnh đó, cách làm marketing cho ngân hàng số cũng cần biết tận dụng người dùng để họ không chỉ là người sử dụng dịch vụ mà còn là người truyền tải những thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng và là người bảo vệ thương hiệu. Vì theo khảo sát, có đến 80% người mua hàng bị ảnh hưởng bởi lời khuyên, tư vấn của bạn bè, người thân hoặc chuyên gia…, ông Đỗ Hữu Hưng phân tích.