Phát triển điện gió ngoài khơi bền vững: Cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ
Đó là nhận định của TS. Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam tại Diễn đàn “Điện gió và mục tiêu Net Zero vào năm 2050” do Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức ngày 26/5 tại Hà Nội.
Theo TS. Nguyễn Linh Ngọc, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng gió rất lớn, đặc biệt là điện gió ngoài khơi có thể đóng góp đáng kể cho sự phát triển trong tương lai, mang lại khả năng dự đoán về giá cả, tạo ra hàng chục nghìn việc làm trong một ngành công nghiệp mới và cải thiện cán cân thương mại.
Toàn cảnh diễn đàn |
Với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện gió dài hạn góp phần giảm thiểu hàng triệu tấn carbon từ nhiệt điện, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa việc trung hòa carbon ngành năng lượng nói riêng và trung hòa carbon nói chung đến 2050, tạo nền móng phát triển ngành công nghiệp điện gió, một giải pháp mang tính dài hạn và chiến lược cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
“Với trọng tâm chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, điện gió được kỳ vọng sẽ là nhóm được đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam. Củng cố cho việc phát triển sản lượng nhóm điện gió là các giới hạn của nhóm năng lượng mặt trời và thủy điện, mở đường cho điện gió chiếm vị trí trung tâm trong phát triển năng lượng tái tạo” - TS. Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh.
TS. Dư Văn Toán, chuyên gia năng lượng tái tạo, Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) cho biết, Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới về đầu tư vào nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời). Để hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, tỷ trọng công suất năng lượng tái tạo sẽ tăng dần: Năm 2020 đạt 25%; 2030 đạt gần 32%, năm 2045 đạt gần 58%.
Nhưng để phát triển năng lượng điện gió, TS. Dư Văn Toán kiến nghị cần xây dựng Khung pháp lý cho năng lượng tái tạo và điện gió ngoài khơi như: Luật Năng lượng tái tạo; Các văn bản nghị định, thông tư quy định về năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, Zero cacbon; Tiêu chuẩn quốc gia, Quy định kỹ thuật, chính sách quản lý rác thải, tái chế, thu gom từ năng lượng tái tạo...
Thông tin tại diễn đàn, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn, (Cục Biến đổi khí hậu - Bộ TN&MT) cho hay, năm 2020, Việt Nam cam kết đến năm 2030 cắt giảm 9% phát thải khí nhà kính, và sẽ đạt 27% với hỗ trợ quốc tế. Cam kết này sẽ cần được cập nhật vào năm 2022 để phù hợp với tham vọng đạt phát thải ròng bằng ”0” vào năm 2050.
Việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26 trong việc giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính được cụ thể tại các Điều khoản trong chương VII Ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời được cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là trong Nghị định 06/2022-NĐ-CP.
Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu là nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, phát triển điện gió ngoài khơi cũng tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như: Khó huy động nguồn vốn lớn; tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ khiến cho dự án trải qua nhiều quy trình và trình tự thủ tục đầu tư….; Quy hoạch không gian biển quốc gia bảo đảm tận dụng được nguồn năng lượng, tránh mâu thuẫn với các ngành kinh tế khác và giảm tác động đến hệ sinh thái biển; Chưa có quy định công suất điện gió tối đa cho một dự án để vừa bảo đảm khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án, vừa bảo đảm cân đối hệ thống truyền tải điện;…