Phát triển du lịch xanh và bền vững
Tạo hệ sinh thái mới cho du lịch
Du lịch được xem là "ngành công nghiệp không khói", đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế. Trong đó, du lịch xanh đang là xu hướng được ưu tiên để phát triển bền vững, hiệu quả.
Tại Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo để phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.
Du lịch xanh đang là xu hướng được ưu tiên để phát triển bền vững |
Năm Du lịch quốc gia 2023 do tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức mang chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” nhằm hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện, an toàn cho sức khỏe. Cũng trong thời gian này, UBND huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã triển khai chiến dịch “Tuần lễ du lịch xanh” bằng các hoạt động như trao giỏ đựng rác bằng tre, nứa cho các lái đò tại bến thuyền Vân Long; ra quân tổng vệ sinh môi trường tại Khu du lịch Vân Long…
Để đáp ứng nhu cầu du lịch xanh ngày càng cao của du khách, các địa phương còn khai thác nhiều hoạt động khác. Đơn cử, tại Quảng Ninh, địa phương này lắp đặt các nhà vệ sinh sinh thái cho tàu du lịch và trạm ủ phân vi sinh; xây dựng nhãn tiêu chí “cánh buồm xanh” cho tàu thủy du lịch trên vịnh Hạ Long; xây dựng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; xuất bản sách trắng về tăng trưởng xanh vịnh Hạ Long; các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến như kỹ thuật dầu nước phân ly để lọc nước thải trước khi đưa ra môi trường, không đổ rác thải trực tiếp ra vịnh, sử dụng chai nước thủy tinh, ống hút giấy, ly giấy; triển khai quy định du khách không mang chai nhựa, túi ni-lon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm…
Không chỉ vậy, du lịch xanh còn là ý tưởng của nhiều dự án khởi nghiệp. Bà Phạm Thị Cẩm Dân, chủ mô hình du lịch xanh ở ấp Xẻo Cao - xã Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) chia sẻ, ý tưởng khởi nghiệp được được nhen nhóm từ sau những lần đón tiếp bạn bè, người thân đến chơi nhà, tham quan vườn, cùng tổ chức tiệc ngay tại vườn cây trái. Nghĩ là làm, gia đình bà đã cải tạo vườn cây ăn trái bốn mùa trên diện tích 2,3ha; ao trong vườn được thả cá và trồng bông súng, tạo cho du khách có cơ hội trải nghiệm câu cá, chế biến thành món ăn. Tất cả cây trồng, vật nuôi trong vườn đều được hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp, phân bón, thuốc hóa học, ưu tiên dùng những sản phẩm tự nhiên, phân vi sinh và phân bón hữu cơ. Mô hình khởi nghiệp này đã đạt giải Nhất tại Cuộc thi khởi nghiệp của phụ nữ Hậu Giang năm 2023, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức.
Cần có bộ tiêu chí thống nhất
Chị Nguyễn Mai, hướng dẫn viên du lịch cho rằng, du lịch xanh đến từ những hành động rất nhỏ nhưng có trách nhiệm lớn như không xả rác tại các điểm du lịch, không sử dụng ống hút nhựa hay trồng cây xanh mỗi nơi du khách ghé thăm… Từ đó nâng cao nhận thức của du khách và cả những người dân bản địa về trách nhiệm và ý thức đối với môi trường.
Tuy nhiên, phát triển du lịch xanh tại Việt Nam đang diễn ra khá manh mún, không đồng bộ, mỗi địa phương có một tiêu chuẩn khác nhau. Do vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng một bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng chung trên cả nước để hỗ trợ, giúp cho xu hướng này phát triển hiệu quả, lâu dài.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) chia sẻ, bộ tiêu chí này cần phải bao trùm cả hệ sinh thái du lịch xanh, dễ hiểu, dễ dàng thực hiện để mọi đối tác liên quan như cơ quan quản lý, người dân, DN hành động theo những cam kết đã đưa ra. Ngoài ra, cũng rất cần sự hợp tác giữa các DN, cơ quan quản lý Nhà nước để phối hợp triển khai; cần có cơ quan đánh giá chuyên môn cao, độc lập, uy tín và đảm bảo sự minh bạch để đánh giá, giám sát, báo cáo kết quả, thực hiện bộ tiêu chí du lịch xanh ở từng địa phương.
Cùng chung nhận định này, bà Lê Quỳnh Chi, Khoa Du lịch - trường Đại học Mở Hà Nội đề xuất, cần ban hành các văn bản pháp quy cụ thể và hướng dẫn triển khai thực hiện phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở cả cấp Trung ương và địa phương. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch xanh cho tất cả các thành phần tham gia; tiếp cận nhanh những kiến thức xanh và công nghệ sạch của cộng đồng khoa học thế giới, của các nước có nền du lịch xanh phát triển, từ đó vận dụng vào phát triển du lịch xanh Việt Nam…
Bên cạnh việc chú trọng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, các DN cũng cho rằng cần có chính sách cụ thể thúc đẩy du lịch tái tạo thông qua hỗ trợ cho DN, nhà đầu tư theo hướng xanh, bền vững…