Phát triển kinh tế tư nhân: Thay đổi để hội nhập
DN tư nhân hiến kế cho đất nước cường thịnh | |
Sự chủ động, toàn quyền quyết đáp làm nên thành công của kinh tế tư nhân | |
Gỡ khó để kinh tế tư nhân thành “rường cột nước nhà” |
Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Cùng với sự đổi mới chính sách kinh tế, ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế hình thành, trong đó có những tập đoàn lớn vươn tầm khu vực. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Bởi vậy, vấn đề then chốt là tiếp tục đổi mới tư duy, đồng thời cải cách pháp luật, cơ chế chính sách và phân bổ sử dụng các nguồn lực của xã hội nhằm đảm bảo khu vực kinh tế này được hoạt động trong môi trường lành mạnh, bình đẳng.
Làng nghề truyền thống rất cần được gìn giữ và phát triển |
Trên thực tế, chúng ta đã tích cực xây dựng khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng hơn cho các DN tư nhân phát triển. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 – 2019, chính sách phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục được hoàn thiện. Thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở được rà soát, cắt bỏ. Chính sách tín dụng đang dần xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân trong tiếp cận các nguồn vốn.
Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết một số điều của luật này, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; hình thành quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, đảm bảo sự đồng bộ trong triển khai thực hiện luật. Do đó, vai trò của khu vực tư nhân ngày càng gia tăng, thể hiện qua tỷ trọng của khu vực này trong GDP cũng như đầu tư phát triển toàn xã hội tăng cao.
Mặc dù vậy, nhưng các DN tư nhân hiện nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh hội nhập, nhất là việc tiếp cận và bắt kịp CMCN 4.0. Theo ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, có một thực tế rất đáng buồn là mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nhưng đại bộ phận DNNVV/DNTN chưa sẵn sàng với những thay đổi mang tính bắt buộc, chưa chuẩn bị gì để nhập cuộc. Đã có rất nhiều DN chỉ trả lời là “mới chỉ nghe nói về CMCN 4.0 trên các phương tiện truyền thông gần đây”. Những khái niệm về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano… còn rất xa lạ đối với họ.
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt đến quá trình hội nhập và phát triển nền kinh tế của Việt Nam với độ mở ngày càng lớn đã tạo ra những cơ hội, cùng những thách thức và áp lực cho việc đổi mới cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Mặt khác, trong khi KTTN/DNNVV đang phải đối diện với nhiều yếu tố bất lợi cho tăng trưởng, thì sự hỗ trợ cho khu vực này còn chưa thỏa đáng, hầu như mọi nguồn lực từ vốn, công nghệ, chính sách hỗ trợ đều chưa nhiều hiệu quả…
Nhiều chuyên gia đánh giá, từ nay đến năm 2030, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục con đường hội nhập sâu rộng hơn so với hiện nay. Bởi vậy, việc cải thiện tốt năng lực và năng suất lao động, khả năng cạnh tranh là những điểm then chốt mà các DN cần hướng tới.
Ông Tô Hoài Nam cho rằng, trong kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân cần phải có những thay đổi lớn. Trong đó tập trung ưu tiên tháo gỡ giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế tác động không tốt đến phát triển kinh tế tư nhân. Nhà nước cần tạo lập môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng, về thực chất không phân biệt loại hình sở hữu và tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích, hỗ trợ các DN tư nhân tham gia thị trường và rút khỏi thị trường phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế.
Hiện nay, về cơ bản thì các bộ, ngành là cơ quan chủ trì soạn thảo pháp luật. Sau đó cũng chính các cơ quan này lại chủ trì việc thực thi pháp luật. Thực tế cho thấy việc tham gia của các cơ quan này là rất quan trọng và đã có nhiều tác động tích cực đến hoạt động xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, làm chính sách như vậy cũng khó tránh khỏi vấn đề lợi ích ngành. Vì thế, cần phải xem lại quyền, trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị định theo hướng nâng cao vai trò của các Ủy ban của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật.
Đặc biệt, cần sớm ban hành luật về hội nhằm thúc đẩy và phát triển các hội ngành nghề với sự tham gia sâu rộng của DNTN/DNNVV để tạo thành một sức mạnh, cùng Nhà nước thực hiện những mục tiêu của hệ thống chính trị, chống lại những tiêu cực trong xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.