Phép thử với triển vọng kinh tế 2021
Quan trọng nhất là dập dịch nhanh
Rất nhiều tổ chức trong và ngoài nước gần đây đều đưa ra dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay, thậm chí vượt xa cả các mục tiêu 6% và 6,5% mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Tuy nhiên, những diễn biến khó lường của Covid, nhất là sự bùng phát của đợt dịch thứ 4 hiện nay đang là thách thức vô cùng lớn với tăng trưởng kinh tế năm nay.
Theo TS. Phạm Sỹ An - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đợt dịch thứ 4 hiện nay - làn sóng dịch mạnh nhất trong các đợt dịch đã xuất hiện - thực sự “là một phép thử lớn” với Chính phủ mới trong việc đạt được mục tiêu đặt ra trong năm nay. “Trước sau gì thì dịch bệnh này rồi cũng qua, nhưng trước khi chúng ta có thể đạt đến miễn dịch cộng đồng nhờ vacxin thì các đợt dịch bệnh vẫn có thể bùng phát. Và mỗi lần bùng phát như vậy lại là một phép thử, đặt ra cho chúng ta các thách thức như: Tốc độ kiểm soát dịch nhanh tới đâu, khả năng giảm thiểu hậu quả tiêu cực đến đâu; các giải pháp để hồi phục kinh tế sẽ nhanh như nào…”, TS. Phạm Sỹ An cho biết.
Tuy nhiên cũng theo chuyên gia này, kinh tế toàn cầu - trong đó có những đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, EU... đang phục hồi tốt sau dịch và dự báo sẽ rất khả quan trong năm nay và đây là yếu tố hỗ trợ rất lớn cho xuất khẩu, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo vốn là những động lực quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đã trải qua 3 làn sóng Covid và đã kiểm soát rất thành công, có nhiều kinh nghiệm nên đây sẽ là thuận lợi để chúng ta cũng sớm kiểm soát được đợt dịch này.
Cần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan tại các khu công nghiệp để đảm bảo sản xuất không bị ngưng trệ |
“Đợt dịch này chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực ít nhiều đến triển vọng tăng trưởng năm nay, nhưng nếu chúng ta tiếp tục nhanh chóng kiểm soát tốt, giảm thiểu được hậu quả để lại trong khi bối cảnh bên ngoài thuận lợi như dự báo và các giải pháp kịp thời để nền kinh tế khôi phục được sớm thì mục tiêu tăng trưởng đặt ra vẫn có khả năng đạt được”, TS. An dự báo.
Cùng nhận định trên, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, đợt dịch này đã lan đến gần 30 tỉnh, khiến một số hoạt động sẽ bị chậm lại. Tuy nhiên, chiến lược và các giải pháp phòng chống của Việt Nam tương đối tốt và bài bản, ví dụ chỗ nào cần khoanh vùng vẫn khoanh vùng, cần cách ly vẫn nhanh chóng cách ly trong khi những nơi có thể sản xuất kinh doanh an toàn thì vẫn hoạt động bình thường. Nên lần này, mặc dù đợt dịch xảy ra nhanh, mạnh hơn, đặc biệt đến lĩnh vực du lịch và hàng không, nhưng nhìn về tổng thể mức độ tác động mạnh của đợt dịch sẽ không quá lớn.
“Trước đây chúng tôi đã xây dựng 3 kịch bản cho tăng trưởng năm nay. Theo đó, kịch bản xấu nhất GDP sẽ tăng trong khoảng 5-5,5%; kịch bản cơ sở (kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất) là từ 6,5-6,7% và kịch bản tích cực nhất là 7,5%. Với tác động của đợt dịch lần này, chúng ta sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để đạt được kịch bản cơ sở đó”, TS. Cấn Văn Lực dự báo.
Sẽ tiếp tục thành công
TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương cũng nhận định, tác động của đợt dịch này sẽ rất lớn nếu để lây lan mạnh vào các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất khiến tình trạng đình trệ sản xuất xảy ra. “Một trong những yếu tố có thể giúp cho kinh tế năm nay tăng trưởng tốt là cầu từ bên ngoài (cầu xuất khẩu). Nhưng chúng ta sẽ không tận dụng được cơ hội này nếu để dịch lây lan và các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất. Vì vậy, ngăn chặn được nguy cơ này là yếu tốt then chốt. Ngược lại, nếu chúng ta kiểm soát tốt để các khu công nghiệp vẫn hoạt động được bình thường thì tác động sẽ không lớn, mục tiêu tăng trưởng đề ra vẫn khả thi”, chuyên gia này nhận định.
Theo các chuyên gia, việc có đạt được mục tiêu đề ra hay thậm chí khả quan hơn như các tổ chức đã dự báo hay không sẽ phụ thuộc không nhỏ vào việc nhanh chóng kiểm soát đợt dịch Covid lần này và quyết tâm ngăn không để tái diễn những làn sóng mới. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, chiến lược và các giải pháp phòng chống dịch như hiện nay đang phát huy hiệu quả tốt nên cần tiếp tục duy trì, trong đó lưu ý thực hiện nghiêm và quyết liệt hơn ở các cấp cơ sở để quản lý tốt các ổ dịch đã phát hiện, đồng thời không để lây lan, phát sinh các ổ dịch mới.
Bên cạnh đó để thực hiện mục tiêu kép, các giải pháp quan trọng đã nêu trong Nghị quyết 01 của Chính phủ và các văn bản, chỉ đạo gần đây liên quan đến giải ngân đầu tư công, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy cỗ xe tam mã… phải tiếp tục được thực hiện quyết liệt. Đồng thời, ngay từ lúc này cần có sự chuẩn bị về các giải pháp, ví dụ như liên quan đến ngành hàng không, du lịch để sẵn sàng triển khai khi đợt dịch này được kiểm soát cơ bản và các hoạt động KT-XH quay trở lại trạng thái bình thường hơn. Ngoài rủi ro dịch bệnh Covid hiện nay, TS. Lực cũng lưu ý đến một số rủi ro khác liên quan đến lạm phát, bong bóng tài sản khiến áp lực đối với lãi suất cũng bắt đầu tăng lên… và cần các giải pháp ngăn chặn và phòng ngừa.
Để ngăn chặn được nguy cơ dịch lây lan trong các khu công nghiệp, TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng, bên cạnh các giải pháp hiện nay như giám sát chặt chẽ tại phân xưởng, nhà máy thì cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động, để họ thấy rõ việc chủ động phòng chống dịch của bản thân không chỉ liên quan đến lợi ích sát sườn cá nhân (tiếp tục có việc làm, thu nhập), mà cả những người khác, cả công ty và xã hội. Cùng với tuyên truyền, nên khuyến khích thành lập ra những tổ, nhóm để giám sát lẫn nhau, tương tác và hỗ trợ, nhắc nhở lẫn nhau trong phòng chống dịch.
Theo các chuyên gia, mặc dù ca nhiễm mới của đợt dịch này vẫn tăng trong vài ngày trở lại đây, nhưng hầu hết yếu tố nguồn lây đều trong các khu vực, địa bàn liên quan đến các ổ dịch đã được phát hiện và khoanh vùng, cách ly trước đó. Nếu diễn biến này tiếp tục trong những ngày tới, không phát sinh thêm các ca lây nhiễm mới ngoài cộng đồng không rõ nguồn lây thì có thể tạm yên tâm là đợt dịch lần này đã cơ bản được khống chế. |
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)