Phí BHTG – công cụ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền
Bảo vệ người gửi tiền là động lực để sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi Ngân hàng tăng khuyến mãi cho người gửi tiền |
Nguồn: Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (số liệu tính đến ngày 31/12 hàng năm) |
Phí BHTG hiện hành tại Việt Nam
Luật BHTG hiện hành quy định phí BHTG là khoản tiền mà tổ chức tham gia BHTG (ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân) phải nộp cho BHTG Việt Nam (BHTGVN) để bảo hiểm cho tiền gửi của người gửi tiền được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG.
Như vậy, người dân khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG không phải đóng phí BHTG mà tổ chức tham gia BHTG phải chịu trách nhiệm nộp phí BHTG đầy đủ và đúng thời hạn.
Cơ chế phí BHTG hiện nay là cơ chế phí đồng hạng (mức phí 0,15%/ năm tính trên toàn bộ số dư tiền gửi bình quân của các cá nhân bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tham gia BHTG), được áp dụng từ khi BHTGVN thành lập đến nay.
BHTGVN chịu trách nhiệm tính và thu phí BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG. Cơ quan này cho biết, hầu hết các tổ chức tham gia BHTG đã chấp hành tốt quy định về tính và nộp phí BHTG theo quy định của pháp luật về BHTG và hướng dẫn của BHTGVN.
Bên cạnh đó, BHTGVN thực hiện miễn nộp phí BHTG theo quy định cho các tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt; kịp thời giải đáp, xử lý các vấn đề phát sinh nhằm hạn chế tối đa việc nộp muộn, thừa, thiếu phí BHTG.
Đây cũng là nguồn thu giúp Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN tăng trưởng ổn định. Đến hết ngày 30/6/2023, Quỹ dự phòng nghiệp vụ là hơn 96 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm 2022. Với nguồn lực tài chính được tích lũy qua từng năm, BHTGVN có thể sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết đối với tổ chức tham gia BHTG có quy mô nhỏ và vừa, tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thông lệ quốc tế về phí BHTG
Kết quả khảo sát thường niên của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) thực hiện năm 2021 cho thấy, trong tổng số 109 tổ chức BHTG trên thế giới tham gia khảo sát có 53 tổ chức BHTG (48,6%) áp dụng phí BHTG đồng hạng; 43 tổ chức BHTG (39,4%) áp dụng phí BHTG phân biệt; 10 tổ chức BHTG (9,2%) thu phí kết hợp đồng hạng và phân biệt; còn lại 3 tổ chức BHTG (2,8%) không trả lời hoặc có phương pháp tính phí khác. Các tổ chức BHTG có xu hướng áp dụng phương thức tính phí đồng hạng trong giai đoạn tổ chức BHTG mới thành lập vì cơ chế này tương đối dễ thiết kế, dễ thực hiện và quản lý; sau đó chuyển sang áp dụng phương thức tính phí phân biệt theo mức độ rủi ro.
Theo thông lệ quốc tế và hướng dẫn của IADI, để triển khai cơ chế phí BHTG phân biệt, phải đảm bảo các điều kiện nhất định, trong đó có 2 điều kiện trọng yếu:
Một là, cơ chế phí BHTG phân biệt nhằm tạo ra động lực cạnh tranh cho các tổ chức tham gia BHTG và sự công bằng trong quá trình tính phí, từ đó thúc đẩy các tổ chức tham gia BHTG cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro, góp phần xây dựng hệ thống ngân hàng phát triển, cạnh tranh lành mạnh, an toàn và bền vững. Theo đó, các tổ chức tham gia BHTG có rủi ro càng lớn sẽ phải nộp phí BHTG càng cao và ngược lại, đồng thời sẽ phải chấp nhận cho phép phá sản các tổ chức tham gia BHTG yếu kém;
Hai là, hoàn thiện cơ sở pháp lý, hệ thống đánh giá, phân loại tổ chức tham gia BHTG thống nhất trong điều kiện bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội ổn định, hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh; và một số điều kiện khác.
Tại Việt Nam, cơ chế phí BHTG phân biệt chỉ thực hiện được khi cơ sở pháp lý được hoàn thiện, trong đó có quy định về tiêu chí, phương pháp xây dựng khung phí; đánh giá, phân loại tổ chức tham gia BHTG và bối cảnh kinh tế - xã hội ổn định, hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, đặc biệt có thể cho phép phá sản các tổ chức tham gia BHTG yếu kém. Trong tương lai, việc áp dụng phí BHTG phân biệt cần có lộ trình phù hợp, đòi hỏi nghiên cứu, đánh giá các điều kiện thực tế của Việt Nam một cách đầy đủ và thận trọng để tránh những tác động tiêu cực đến hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng đến lòng tin của người gửi tiền và sự ổn định của các tổ chức tín dụng.
Việc tiếp tục áp dụng phí BHTG đồng hạng trong giai đoạn hiện nay vẫn đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, góp phần hoàn thiện tái cơ cấu, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng và hỗ trợ phát triển kinh tế sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.