Chuyện tất yếu
Vì sao tôi lại “mở màn” như thế? Bởi vì, tôi đã gặp một người đánh giày thâm niên hơn 20 năm ở Hà Nội trong một bữa tiếp khách. Chúng tôi ngồi trong một quán ăn khá sang ở khu vực Hồ Tây. Và rồi, hình ảnh một người đánh giày chừng hơn tôi 4 tuổi, có đôi mắt sáng đầy hy vọng đã cuốn hút tôi. Tất nhiên anh đánh giày cho cả sáu người trong nhóm thực khách hôm ấy.
![]() |
Nhiều người phụ nữ sống tạm bợ, mưu sinh ở khu vực phường Phúc Xá (Hà Nội) |
Tôi đã tranh thủ thời gian đó để tìm hiểu về anh, và mau chóng được biết con anh đang học đại học năm thứ nhất ở Hà Nội. Tôi cũng kịp biết anh đang thuê trọ ở khu “ổ chuột” ngay phía sau chợ Long Biên. Tức là nơi “sát sườn” quận trung tâm – khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Chỉ mấy ngày sau đó, tôi đã có mặt ở khu trọ của anh. Chiều tối. Những dãy nhà trọ tạm bợ mù mịt khói do nhà nào cũng đặt bếp bằng mấy viên gạch vỡ ở khoảnh sân chung để… nấu nướng. Chất đun là củi, gỗ mọt, bìa các-tông.
Hỏi chuyện, anh bảo anh “bám” ở Hà Nội và tính đến nay đã chuyển 16 lần, trong đó trọ tại khu vực phường Phúc Xá là lâu nhất, 7 năm. Hỏi chuyện ra thì khu vực này toàn người nghèo, đa số ngoại tỉnh về ở trọ. Anh Hòa – tên người đánh giày - đang nuôi một đứa con gái và một người vợ nhiều bệnh tật ở miền quê Hà Nam.
Hỏi chuyện về công việc, Hòa chia sẻ: “Chúng tôi cái gì cũng tiết kiệm. Ăn ở, mua sắm toàn chọn những thứ “siêu rẻ”. Ngay như vừa rồi, có người mang quần bò vào đây bán cho anh em chúng tôi. Họ phát giá 20 nghìn đồng/chiếc. Chúng tôi trả 30 nghìn đồng/2 chiếc. Thế mà họ bán đấy”.
Phòng ở chỉ là những tấm bìa các-tông, ván ép, gỗ mục, xốp ghép vào thì đúng là… quá tiết kiệm. Anh Hòa cho biết thêm, đến thức ăn, đồ hoa quả họ cũng chọn thời điểm gần trưa, tức là đồ gần như ế để được mua với giá rẻ nhất, gọi là tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.
“Nghề đánh giày cũng có người thu nhập cao, người thấp. Tôi trung bình được tám triệu đồng/ tháng. Chi phí đi, còn giữ được khoảng 6 triệu. Phải như thế thì mới đỡ được vợ con”, anh Hòa nhấn mạnh.
Được biết, hiện Hà Nội là một trong những thành phố có nhiều khu “ổ chuột”, xen lẫn những khu phố sầm uất. Nhưng lớn nhất vẫn là xóm trọ tuềnh toàng ở khu vực cầu Long Biên, nằm ngay phía sau chợ Long Biên và sát mép sông Hồng, thuộc phường Phúc Xá (quận Ba Đình). Nơi đây, có ít nhất 1.400 lao động từ các địa phương khác về thuê trọ, ăn ở để làm nghề bán hàng rong, chở hàng thuê, thu mua đồng nát, cửu vạn…
Tìm hiểu thêm, thì phát hiện một xóm trọ nhếch nhác khác, chỉ giống như những túp lều với điều kiện vô cùng thiếu thốn, là xóm nhà tạm gồm 15 túp lều ở ven hồ Văn Chương, thuộc phường Văn Chương; xóm đồng nát trong ngõ 34 Hoàng Cầu (quận Đống Đa); xóm Đồng Bát sau bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm)…
Ở những xóm trọ tạm như thế, những người như anh Hòa không hiếm. Tôi cũng từng gặp những người có thâm niên hơn 40 năm làm nghề nhặt ve chai, đồng nát. Hay từng tiếp xúc với những cụ già bơm xe đạp suốt nửa thế kỷ. Chuyện ở tạm, ở trọ như thế thời nào cũng có. Đó cũng là chuyện tất yếu ở những chốn phồn hoa.
Và ước mơ ngày sau
Một trong những thành phố xinh xắn là Quy Nhơn cũng có khu “ổ chuột”, chính là khu vực sinh sống của 200 hộ dân thuộc phường Hải Cảng (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Chị Đỗ Hằng Lý, người dân đã gắn bó với khu nhà tạm nằm áp với cảng Quy Nhơn này hơn 30 năm qua, chia sẻ: “Biển là ruộng của ngư dân. Chúng tôi không có ngư cụ đắt tiền, không có đất đai để làm nhà. Bố mẹ sống ở đây, chúng tôi lập gia đình, được bố mẹ chia cho mấy mét vuông thì cũng làm tạm bợ sinh sống, chứ lấy đâu ra tiền. Tôi nghĩ là chuyện tất yếu thôi, có phải ai cũng có tiền mà mua nhà lớn đâu”.
Chia sẻ với bà con, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hải Cảng (TP. Quy Nhơn), cho biết: khu nhà hình thành sau năm 1975. Đến năm 2011, TP. Quy Nhơn giải tỏa làm đường Xuân Diệu đã tái định cư cho khoảng 2.000 người dân. Đến nay, phường còn khoảng 200 hộ dân sống tạm bợ và chưa có cách nào tháo gỡ.
Vào thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi cũng được chứng kiến cuộc sống của không ít khu vực dân cư sống tạm bợ. Nha Trang là thành phố biển trữ tình, nhiều người nói là thành phố có điều kiện văn hóa, khí hậu khá lý tưởng. Thế nhưng, những xóm dân cư tạm bợ lại như những nốt ruồi kém duyên trên khuôn mặt, làm cho sắc diện của thành phố không được lung linh toàn diện, như khu Cồn Nhất (phường Phước Vĩnh).
Ở thành phố Đà Nẵng, được mệnh là “thành phố đáng sống” cũng từng có những xóm ổ chuột, mà bản thân thành phố đã phải vô cùng cố gắng mới có thể giải tỏa, tái định cư cho người dân.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, sẽ không khó để tìm ra những khu “ổ chuột” là len lỏi ở các quận, huyện. Đặc biệt, khu Mả Lạng nằm lọt thỏm trong các tuyến đường Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Trãi thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Ít ai biết đằng sau những tuyến đường buôn bán sầm uất là hàng trăm “nhà” diện tích chỉ khoảng 5-7 m2, lụp xụp, nhiều chục năm nay không nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Dọc theo các dòng kênh Đôi, kênh Tẻ hay những khu vực ven sông thuộc địa bàn quận 4, quận 7… không khó bắt gặp những căn nhà xập xệ, được che chắn tạm bằng những mái tôn cũ nát, những mảnh bìa nham nhở.
Các thành phố thường chẳng bao giờ thiếu chỗ ăn chơi. Có những chốn đặc biệt dành cho giới lắm tiền. Người ta có thể “đốt” ở đó một đêm hàng chục triệu đồng mỗi người. Điều đó trái ngược hẳn với những phận đời hẩm hiu bên hành lang bệnh viện, cảnh trọ tạm làm thuê, bốc vác hay những mảnh đời vạ vật không cửa không nhà ngoài hè phố.
Đó là hai thế giới, sáng và tối, phồn hoa và nhếch nhác. Đó cũng chính là những nét đời sống và văn hóa của các thành phố, mà mỗi nơi đều phải dung hòa, để tất cả đều cùng tồn tại.
Anh Khoa
Nguồn: