Phim chiến tranh cách mạng: Nỗ lực từ những người trẻ
Điện ảnh Việt không ngừng phát triển, nhiều bộ phim thuộc mọi đề tài vẫn ra đời. Trong dòng chảy ấy, phim chiến tranh cách mạng vốn kén khán giả, khó làm nhưng giới làm nghề, đặc biệt là người trẻ vẫn nỗ lực đem đến cho công chúng những tác phẩm chất lượng, có giá trị nghệ thuật. Điều này không chỉ góp phần giúp điện ảnh Việt đa dạng, phong phú mà còn cho thấy sự tiếp nối của các thế hệ để phim chiến tranh cách mạng luôn tồn tại.
Người trở về là bộ phim về chiến tranh cách mạng được khán giả đánh giá cao |
Không giống như phim điện ảnh kiểu “mỳ ăn liền” như hài, tâm lý xã hội, kinh dị... thường chiếu ở rạp, phim về đề tài lịch sử được giới nghệ sĩ ở nước ta nhận định rất khó làm. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ, phim đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam chưa hay, chưa hấp dẫn người xem, ngoài thiếu thốn phương tiện, kỹ thuật... còn có yếu tố con người. Ngoài những khó khăn khách quan về kinh phí, kỹ thuật, phương tiện... còn có cả những hạn chế về đội ngũ đạo diễn, diễn viên... có nghề với thể loại phim này.
Đạo diễn Long Vân lại cho rằng, làm phim về chiến tranh tốn kém rất nhiều lần so với phim bình thường, trong khi kinh phí cho phép thường có hạn, nên những người thực hiện đành phải “giật gấu vá vai”, cố gắng làm sao thể hiện tốt... tinh thần của bộ phim là chính chứ chưa thể làm thật sự đến nơi đến chốn. Trong khi đó, không ít nghệ sĩ thừa nhận, phương tiện kỹ thuật ở ta còn hạn chế như kỹ xảo, phim trường nên phim về chiến tranh, lịch sử Việt chưa thật sự hấp dẫn, cùng với đó chúng ta thiếu những đạo diễn có kinh nghiệm để lột tả những thông điệp của tác phẩm.
Tuy nhiên trên thực tế, dù đứng trước không ít khó khăn nhưng phim về đề tài chiến tranh, lịch sử ở nước ta vẫn có nhiều tác phẩm đặc sắc. Có thể nói, đến nay nền điện ảnh Việt đã có nhiều bộ phim xuất sắc về đề tài chiến tranh, cách mạng được khán giả các thế hệ đón nhận, trong đó phải kể đến các tác phẩm kinh điển như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (sản xuất năm 1972), Em bé Hà Nội (1974), Cánh đồng hoang (1979), Biệt động Sài Gòn (1986), Hà Nội 12 ngày đêm (2002), Giải phóng Sài Gòn (2005), Mùi cỏ cháy (2012)...
Những bộ phim này đã đem lại nhiều cảm xúc, niềm tự hào dân tộc với người xem và cho thấy thế hệ trẻ vẫn nỗ lực tiếp nối truyền thống, cảm hứng của lớp nghệ sĩ tiền bối ở dòng phim này.
Trong khoảng thời gian gần đây, đáng mừng là có một số tác phẩm điện ảnh do nghệ sĩ trẻ đạo diễn đã được công chúng đón nhận, trong đó phải kể đến đạo diễn Đặng Thái Huyền (sinh năm 1980), Bùi Tuấn Dũng (sinh năm 1975)... Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền hơn một năm trước thực hiện bộ phim Người trở về chuyển thể từ truyện ngắn Người về bến sông Châu của nhà văn Sương Nguyệt Minh.
Bộ phim khiến khán giả xúc động và tốn nhiều nước mắt khi kể về câu chuyện trong chiến tranh, cô y tá chiến trường tên Mây dũng cảm lao ra giữa bom đạn để đi lấy thực phẩm và thuốc men cứu đồng đội. Hòa bình lập lại, Mây trở về nhà đã bị gọi là liệt sĩ, còn người yêu cũ đã đi lấy vợ.
Chịu đựng những vết thương cũ từ chiến trường, Mây sống lặng lẽ trong nỗi cô đơn trên chính bến đò quê hương. Mặc dù người yêu mới tìm đến, cô từ chối anh bởi biết cơ thể mình thương tật quá nhiều, khó mang lại hạnh phúc cho người đàn ông nào.
Trong năm 2017, Đặng Thái Huyền lại tạo ấn tượng mạnh với phim Mắt biển khai thác một góc cạnh khác trong thời chiến, đó là tình yêu. Câu chuyện tình yêu thời chiến éo le giữa ba nhân vật Ngân, Thành và Vỹ được Đặng Thái Huyền xử lý khéo léo và đầy xúc động. Bộ phim Mắt biển khiến người xem rưng rưng bởi nỗi đau, giọt nước mắt nghẹn ngào của người ở lại. Đó là cảnh người mẹ ngày đêm ôm bên mình chiếc áo của con trai, không tin rằng con mình đã hy sinh nơi trận mạc. Hay hình ảnh cô gái trẻ đêm nào cũng chạy ra biển mong ngóng chàng trai trở về...
Trong khi đó, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng lại khẳng định được tài năng khi từng thực hiện hai bộ phim Những người viết huyền thoại, Đường thư. Phim Những người viết huyền thoại, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng tái hiện câu chuyện đầy bi tráng quanh việc lắp đặt đường ống dẫn dầu dài 5.000km xuyên Trường Sơn trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1968 - 1969).
Bên cạnh đường ống huyền thoại ấy là rất nhiều những con người anh dũng khác đã ngã xuống, máu của họ hòa vào đại ngàn Trường Sơn để đường ống dẫn dầu được hoàn thành, nối dài mãi vào chiến trường, đưa những đoàn quân ra trận. Với phim Đường thư, Bùi Tuấn Dũng lại đưa khán giả được trở về một thời điểm lịch sử của dân tộc tại Khe Sanh mùa khô năm 1967, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt trong chiến tranh chống Mỹ.
Phim khắc họa hình ảnh chiến sĩ quân bưu trong thời chiến với phẩm chất gan dạ, mưu trí, dũng cảm và ý thức trách nhiệm trong chiến tranh. Và Đường thư như một lời tri ân thế hệ cha anh đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Dù vẫn biết phim về chiến tranh cách mạng chưa nhiều, chất lượng chưa như kỳ vọng, tuy nhiên việc các nghệ sĩ trẻ vẫn cố gắng, nỗ lực sản xuất phim về đề tài này cho thấy thế hệ trẻ không phải ai cũng mải mê kiếm tìm những dự án điện ảnh thương mại, giải trí hời hợt mà họ đã, đang cống hiến, hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình, nghĩa vụ của người làm nghệ thuật nước nhà là cống hiến tài năng, sức lực cho nền điện ảnh nói riêng và nghệ thuật dân tộc phát triển, bền vững. Nhưng dẫu sao, điện ảnh Việt vẫn cần nhiều người trẻ dám dấn thân, nỗ lực thực hiện các bộ phim về đề tài chiến tranh để tạo ra sự lan tỏa, truyền cảm hứng tới người xem.