Quản lý rủi ro bởi AI bằng cơ chế luật pháp
Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn trong phát triển AI
Dữ liệu đáng chú ý từ Statista chỉ ra, quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo thế giới dự kiến sẽ đạt 184 USD vào năm 2024. Thị trường này dự kiến sẽ cho thấy tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2024-2030) là 28,46%, dẫn đến khối lượng thị trường là 826,70 tỷ USD vào năm 2030.
Những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc khi đứng thứ 5/10 nước trong ASEAN, đứng thứ 59/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2023" theo đánh giá của Oxford Insights. Đáng chú ý, đây đã là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam vượt qua mức trung bình toàn cầu, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ trong việc phát triển, ứng dụng AI |
Không dừng lại ở tiềm năng, Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến thực chất qua các doanh nghiệp công nghệ số lớn đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực AI như Viettel, VNPT, Mobifone, FPT, CMC, VinAI... Nhiều doanh nghiệp đã đạt được các thành tựu nghiên cứu ứng dụng nổi bật mà còn góp phần xây dựng nền tảng cho một hệ sinh thái AI phát triển, giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ của khu vực.
Những kết quả trên không chỉ phản ánh sự đầu tư và nỗ lực phát triển AI tại Việt Nam, mà còn là minh chứng rõ ràng cho xu hướng hình thành nền công nghiệp trí tuệ nhân tạo. Việt Nam đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy AI, từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nguồn nhân lực tiềm năng, đến sự sẵn sàng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài.
Cơ chế đảm bảo khai thác AI có trách nhiệm
Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ số đột phá có tác động lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực. Bên cạnh việc mang lại nhiều lợi ích, trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra những thách thức về rủi ro đối với con người, xã hội.
Đơn cử như trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, báo cáo thường niên Digital News Report năm 2024 của Reuters từng phản ánh mối lo ngại toàn cầu về việc sử dụng AI trong quá trình sản xuất tin tức. Khảo sát gần 100.000 người ở 47 quốc gia trên thế giới, mức độ lo ngại về nội dung tin tức sai lệch trực tuyến đã tăng 3 điểm % so với năm 2023, trong đó có 59% người tham gia khảo sát cho biết họ lo lắng về vấn đề này. Trên thực tế, kể từ khi Gen AI được phổ biến, công nghệ này đã bị lạm dụng tạo ra những câu chuyện không có thực để chia sẻ trên mạng xã hội, khiến tin tức không còn chân thực.
Quản lý rủi ro từ AI |
Tiến sỹ Jeff Dean - Giám đốc Khoa học của Google từng nhận định, AI không chỉ là một công nghệ tiên tiến, thay đổi cách con người xử lý dữ liệu và ra quyết định. Đây sẽ là công cụ mang lại lợi ích to lớn, tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn khi được phát triển đúng cách, tuy vậy phát triển AI đòi hỏi những nhà phát triển phải luôn duy trì tiêu chuẩn cao về đạo đức và trách nhiệm xã hội. Thách thức không chỉ ở việc xây dựng công cụ mạnh mẽ đến đâu mà còn là xây dựng dựa trên đạo đức, các nguyên tắc.
Do đó, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số ra đời, cơ quan soạn thảo dành 01 chương quy định về trí tuệ nhân tạo là vô cùng cần thiết. Động thái này nhằm bảo đảm khuyến khích, phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và có biện pháp quản lý giảm thiểu rủi ro nhằm bảo đảm công nghệ số này được khai thác một cách có trách nhiệm.
Dự thảo Luật nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người, lấy con người làm trung tâm, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc; Tiếp cận bao trùm, công bằng và không phân biệt đối xử; tôn trọng các giá trị đạo đức, quyền và lợi ích của con người và bảo vệ quyền riêng tư; Bảo đảm minh bạch, khả năng giải thích được, trách nhiệm giải trình, khả năng kiểm soát thuật toán, mô hình trí tuệ nhân tạo…
Luật cũng quy định về quản lý rủi ro đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo; trách nhiệm các bên liên quan đến hoạt động phát triển, cung cấp, triển khai và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo; nhãn và quy trình, thủ tục dán nhãn sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ra, dự án Luật cũng quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sản phẩm, dịch vụ công nghệ số. Đây là cơ chế rất quan trọng, đột phá tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để hỗ trợ ngành công nghệ số nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng phát triển.