Thách thức huy động tài chính để giảm ô nhiễm nhựa
Hà Nội: Quyết tâm xây dựng đô thị xanh trước thách thức ô nhiễm môi trường |
Cần các giải pháp tài chính sáng tạo
Ô nhiễm nhựa đã trở thành vấn đề toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Hàng năm, hàng triệu tấn nhựa thải ra đại dương, phá hủy hệ sinh thái biển và gây ra những hậu quả lâu dài. Tuy nhiên, câu chuyện về ô nhiễm nhựa không chỉ là câu chuyện toàn cầu, mà còn hiện hữu tại Việt Nam, nơi đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải nhựa.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, sự gia tăng tiêu dùng và các hoạt động công nghiệp, lượng rác thải nhựa ở Việt Nam không ngừng gia tăng. Từ túi ni-lông sử dụng một lần đến các sản phẩm nhựa không thể tái chế, những vật dụng tưởng như nhỏ bé và là “chuyện nhỏ” với mỗi cá nhân trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng lại đang trở thành gánh nặng đối với môi trường. Trong bối cảnh này, việc huy động các giải pháp tài chính để giải quyết ô nhiễm nhựa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Phát biểu tại hội thảo “Huy động tài chính cho giải pháp ô nhiễm nhựa tại Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực thi” mới đây, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, những năm qua, các cơ quan Chính phủ và các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp triển khai các chương trình, dự án trong nỗ lực nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa. Qua đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa và từng bước cải thiện hình ảnh quốc gia, đưa tên ra khỏi danh sách các quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu trên thế giới.
Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện quyết tâm giảm thiểu ô nhiễm nhựa, Việt Nam cần tìm kiếm các công cụ tài chính để giải quyết ô nhiễm nhựa, tạo động lực cho các sáng kiến sáng tạo, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa, phát triển kinh tế xanh, bao trùm và bền vững.
Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, nhu cầu đầu tư toàn cầu để quản lý chất thải nhựa ước tính cần khoảng 2,1 nghìn tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2020 - 2040. Tại Việt Nam, khoảng cách tài chính cần để thu gom và tái chế nhựa ước tính vào khoảng 28 - 40 USD/tấn và 24 - 40 USD/tấn tương ứng. Đây là một con số đáng kể, đòi hỏi các giải pháp huy động vốn hiệu quả và sáng tạo.
TS. Muthukumara S. Mani, Chuyên gia trưởng về Kinh tế môi trường và Biến đổi khí hậu vùng Đông Nam Á (Ngân hàng Thế giới - WB) cho biết, phiên đàm phán của Ủy ban Liên chính phủ (INC-5) về Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa vừa kết thúc tại Busan cuối tháng 11 vừa qua đã nêu bật một vấn đề quan trọng, đó là nhu cầu về các cơ chế tài chính hiệu quả để hỗ trợ hành động toàn cầu.
Theo chuyên gia này, các cơ chế tài chính sáng tạo như trái phiếu dựa trên kết quả, tín chỉ nhựa và hợp tác công tư là những công cụ khả thi. Những sáng kiến này không chỉ giúp huy động vốn mà còn tạo động lực để cải tiến hệ thống quản lý chất thải nhựa, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế và môi trường.
“Trong vai trò của mình, WB đang tích cực hỗ trợ vào quá trình này thông qua các sáng kiến như Chương trình khu vực Đông Nam Á về chống rác thải nhựa trên biển (SEA-MaP) và các công cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh, trái phiếu xanh lá cây và trái phiếu liên kết giảm thiểu nhựa. Những sáng kiến này chứng minh cách tài trợ có mục tiêu có thể mang lại lợi ích kinh tế và môi trường hữu hình”, ông Mani nhấn mạnh.
Ô nhiễm nhựa đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người |
Vì một Việt Nam xanh hơn
Trong khi đó, ông Patrick Haverman, Phó đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng nền kinh tế tuần hoàn chính là chìa khóa để vượt qua những thách thức không bền vững mà Việt Nam đang đối mặt. Việc chuyển đổi sang mô hình này không chỉ cải thiện năng suất mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, để thực hiện các sáng kiến này, cần sự hỗ trợ tài chính đáng kể.
“Chúng ta vẫn còn những thách thức lớn cần vượt qua, đặc biệt là trong việc xây dựng các cơ chế tài chính công bằng và huy động nguồn lực hiệu quả để giải quyết ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Hơn thế nữa, chúng ta cần bảo đảm một lộ trình tài chính rõ ràng, lồng ghép các cam kết của thỏa thuận vào kế hoạch chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn nhựa của quốc gia”, ông Patrick Haverman nói.
Giai đoạn 2017 - 2023, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam tăng trưởng đều qua các năm, chiếm hơn 21% tổng dư nợ. Tuy nhiên, tín dụng xanh hiện chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, một con số vẫn khá khiêm tốn. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển trong việc tăng cường nguồn tài chính xanh và các công cụ tài chính khác nhằm hỗ trợ các sáng kiến liên quan đến nhựa.
Các chuyên gia khuyến nghị cần thiết lập khung pháp lý rõ ràng, đưa ra các ưu đãi và tăng cường hợp tác quốc tế để mở ra nhiều cơ hội tài trợ hơn. Cùng với đó, Việt Nam cần tiếp tục chuẩn bị và nâng cao năng lực trong việc thực hiện Thỏa thuận Toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Thỏa thuận này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và thúc đẩy các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, trong hành trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
“Cần có một khung về tài chính xanh hoàn thiện để các đơn vị, doanh nghiệp đang hướng đến những giải pháp tuần hoàn, tái chế nhựa hiểu rõ được tiêu chí cũng như các ưu đãi. Cùng với đó, để thúc đẩy tài trợ thực tiễn cần sự phối hợp từ các tổ chức tài chính, cố vấn tài chính cũng như các bên đánh giá độc lập để đưa ra một hoàn thiện quy trình, dễ tiếp cận hơn với các dự án kinh tế tuần hoàn và tái chế nhựa ở cả quy mô nhỏ và lớn. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế cũng như các nhà sản xuất, cơ quan Chính phủ và các công ty về tái chế cần hợp tác với nhau để phát triển khung thực thi, cung cấp hỗ trợ về đào tạo, tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật để đáp ứng các tiêu tiêu chuẩn chất lượng và tiêu chuẩn môi trường, sức khỏe an toàn”, bà Nguyễn Lê Bảo Khánh, Trưởng ban Phát triển đối tác và doanh nghiệp, FiinGroup - tổ chức duy nhất ở Việt Nam hiện nay được Tổ chức Trái phiếu Khí hậu (Climate Bonds Initiative) uỷ quyền xác nhận trái phiếu xanh, đề xuất.
Với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và nguồn tài chính bền vững, Việt Nam có cơ hội để chuyển đổi thành công sang một nền kinh tế tuần hoàn nhựa. Ngoài ra, các sáng kiến như SEA-MaP hay các công cụ như trái phiếu xanh, trái phiếu giảm thiểu nhựa cũng cần được triển khai mạnh mẽ hơn tại Việt Nam. Những công cụ này không chỉ cung cấp nguồn lực mà còn tạo điều kiện để phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo và bền vững.
Như vậy, để đạt được mục tiêu, Việt Nam cần có sự tham gia đồng bộ của các bên liên quan, từ cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, đến các tổ chức tài chính. Sự hợp tác này sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp huy động đủ nguồn lực và thực thi các giải pháp tài chính một cách hiệu quả.
Thách thức quản lý chất thải nhựa tại khu vực châu Á |