Hợp lực “biển - rừng” để du lịch phát triển
Liên kết để hấp dẫn du khách
Ngày 24/4/2022, lãnh đạo các tỉnh Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ngãi, Kon Tum và Phú Yên đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2027. Đây là một bước tiến quan trọng, tạo tiền đề cho việc liên kết phát triển du lịch vùng, giúp quảng bá hình ảnh du lịch của từng địa phương, đồng thời xây dựng các sản phẩm liên vùng đặc sắc, phát huy tối đa giá trị tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.
Việc liên kết du lịch giữa các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên chính là sự kết hợp giữa hai vùng đất có đặc điểm bổ trợ lẫn nhau: miền Trung nổi bật với những bãi biển trải dài, còn Tây Nguyên tự hào với đại ngàn xanh thẳm và văn hóa bản địa đặc sắc. Hành trình “lên rừng - xuống biển” là một sản phẩm đầy tiềm năng, mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương.
Trong năm 2024, các tỉnh đã tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch chung. Điểm nhấn nổi bật là gian hàng chung tại Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh năm 2024, mang chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên giao hòa cùng biển cả”. Không gian này không chỉ giới thiệu các sản phẩm du lịch độc đáo mà còn tạo cơ hội để các tỉnh quảng bá hình ảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Việc liên kết du lịch giữa các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên chính là sự kết hợp giữa hai vùng đất có đặc điểm bổ trợ lẫn nhau. |
Kết quả của những nỗ lực liên kết đã được minh chứng rõ nét. Năm 2024, doanh thu du lịch của cả 6 tỉnh đều tăng trưởng mạnh mẽ: Bình Định đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 55%; Gia Lai đạt 890 tỷ đồng, tăng gần 13%; Đắk Lắk thu 1.255 tỷ đồng, tăng hơn 21%; Kon Tum đạt 890 tỷ đồng; Phú Yên thu 8.000 tỷ đồng, tăng 62% và Quảng Ngãi đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tăng 30%.
Theo TS. Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, liên kết du lịch giữa 6 tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên có lợi thế lớn nhờ sự bổ trợ giữa biển cả và đại ngàn. Các địa phương đều sở hữu tài nguyên đặc thù và đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chung.
Hướng đến sự liên kết chặt chẽ
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc liên kết du lịch giữa hai khu vực vẫn còn nhiều hạn chế. Các hoạt động hợp tác giữa các địa phương còn thiếu tính đồng bộ, rời rạc và chưa duy trì được thường xuyên. Việc tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch chung để tạo ra các sản phẩm liên vùng hấp dẫn vẫn chưa được thực hiện hiệu quả. Sự phối hợp giữa hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu các chương trình du lịch mang đậm dấu ấn vùng miền.
Ngoài ra, việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung của 6 tỉnh vẫn chưa được triển khai. Kinh phí dành cho quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế, đặc biệt trong các sự kiện quốc tế. Điều này khiến các tỉnh chưa thể tổ chức các chương trình xúc tiến quy mô lớn để thu hút du khách nước ngoài.
Một thách thức khác không nhỏ là phần lớn các doanh nghiệp du lịch trong khu vực đều có quy mô nhỏ, nguồn vốn ít, chưa đủ năng lực tham gia vào các hoạt động liên kết lớn. Hiệp hội du lịch tại các địa phương cũng gặp khó khăn trong việc kêu gọi nguồn kinh phí để tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc liên kết du lịch giữa hai khu vực vẫn còn hạn chế. |
Theo nhiều chuyên gia trong ngành du lịch, để tăng cường hiệu quả liên kết, các tỉnh trong khu vực cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung phát triển sản phẩm du lịch liên vùng độc đáo. Mỗi địa phương cần tận dụng thế mạnh riêng để xây dựng các chương trình du lịch hấp dẫn, tạo dấu ấn riêng cho vùng; Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước: Các tỉnh cần hợp tác tham gia các sự kiện quảng bá lớn, đặc biệt tại các thị trường quốc tế tiềm năng, nhằm giới thiệu sản phẩm du lịch của vùng đến với khách quốc tế; Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp địa phương: Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp và hiệp hội du lịch để hình thành các sản phẩm du lịch liên vùng.
Bên cạnh đó, các tỉnh cũng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn vốn và các chương trình xúc tiến, quảng bá; Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao: Đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch, hướng tới cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách; Tăng cường phối hợp tổ chức các sự kiện chung: Xây dựng chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch liên vùng mang tính đặc thù, hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước…
Có thể nói, liên kết phát triển du lịch duyên hải miền Trung - Tây Nguyên không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là chìa khóa để nâng tầm du lịch Việt Nam. Với sự nỗ lực và đồng lòng từ các địa phương, tương lai ngành du lịch khu vực này hứa hẹn sẽ tiếp tục tỏa sáng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh đất nước.