Quản chặt thực phẩm chức năng
Có thể thấy, câu chuyện quản lý thực phẩm chức năng đang nhận được sự quan tâm của dư luận bởi trong thời gian dài, những tồn tại liên quan đến vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đã có nhiều ý kiến phản ánh thị trường hiện tràn lan các sản phẩm chức năng, dược mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không có giấy phép nhưng được thổi phồng công dụng, quảng cáo sai sự thật, dẫn đến rủi ro cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Thậm chí, trong năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã ghi nhận những hành vi tinh vi hơn như thu mua lại các sản phẩm quá hạn, kém chất lượng, hoặc hàng giả, rồi đóng gói lại dưới nhãn mác của các sản phẩm ngoại nhập có giá trị cao, để bán ra thị trường.
Mới đây, vào ngày 27/12, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh vừa khởi tố vụ án, khởi tố các đối tượng sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả. Lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ nhiều sản phẩm và nguyên liệu để sản xuất hàng giả với hơn 1.000 hộp "Cao Tây Bắc" thành phẩm giả, gần 1.000 tem chống hàng giả cùng nhiều công cụ, máy móc để đóng gói sản phẩm như: Máy ép, súng bắn keo, ghim, băng dính, tem, nhãn mác…
Buôn bán, quảng cáo thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc là hành vi phạm pháp |
Vào cuối tháng 10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Đội 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công an huyện Tân Châu triệt xóa tụ điểm buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng số lượng lớn trên không gian mạng. Qua điều tra, lực lượng chức năng đã phát hiện các đối tượng thuê sử dụng nhiều tài khoản trên sàn thương mại điện tử Shopee để bán hàng giả là thực phẩm chức năng, thuốc bảo vệ sức khỏe, được quảng cáo có tác dụng giảm cân.
Trước đó, vào tháng 9, Đội Quản lý số 6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang vừa kiểm tra, phát hiện 1 Nhà thuốc trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang buôn bán 8 vỉ thuốc CEFUROXIM 500mg, có dấu hiệu giả thuốc CEFUROXIM 500mg của Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương VIDIPHA sản xuất (dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất của Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương VIDIPHA). Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ ngay lập tức tất cả hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiến hành thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin và xử lý theo quy định pháp luật.
Để bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan quản lý đã tăng cường các biện pháp kiểm soát, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi tình trạng buôn bán thực phẩm chức năng giả và không rõ nguồn gốc diễn ra khá phổ biến.
Tổng Cục Quản lý thị trường khuyến cáo, hiện nhiều loại hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được bán rất nhiều trên các nền tảng thương mại điện tử kèm theo chương trình khuyến mãi khủng, dùng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm nhằm chiếm lòng tin của người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo để không mua phải hàng giả. Người dân nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm từ bao bì, nhãn mác, kích cỡ chai, các loại chữ viết… để phân biệt. Bên cạnh đó, nên mua sản phẩm thật từ cửa hàng chính hãng. Đối với các sản phẩm là thuốc, nên mua tại các cửa hàng, cửa hiệu đã được Bộ Y tế cấp phép, tránh mua trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội…
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, các sản phẩm thực phẩm chức năng phải được cơ quan chức năng cấp phép trước khi đưa vào thị trường. Khi đã là loại để bán hàng thì phải đáp ứng được đầy đủ các quy định liên quan tới đăng ký, công bố sản phẩm. Việc bán hàng với các sản phẩm không có công bố này là vi phạm pháp luật. Đối với các sản phẩm quảng cáo, theo quy định, việc quảng cáo phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo được các cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Hành động bán hàng online không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đáp ứng đầy đủ các quy định thì đều là vi phạm. Tuy vậy, việc quản lý bán hàng qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đang khiến việc quản lý dạng sản phẩm này gặp khó khăn, đặc biệt là khi các máy chủ quảng cáo được đặt ở nước ngoài.
Để quản lý thực phẩm chức năng một cách hiệu quả, các chuyên gia tin rằng cơ quan quản lý cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan. Thực phẩm chức năng cần được quy định chi tiết hơn nữa về định nghĩa, tiêu chuẩn chất lượng, thành phần, hướng dẫn sản xuất và tiếp thị các sản phẩm này. Các quy định phải phân biệt rõ ràng giữa thực phẩm chức năng và thuốc, nhằm ngăn ngừa tình trạng nhầm lẫn, dẫn đến việc lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích.
Đặc biệt, Nhà nước cần sớm đưa ra chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm như sản xuất, phân phối, tiếp thị sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng hoặc cung cấp thông tin sai lệch về công dụng.
Bên cạnh đó, trong thời đại số hiện nay, biện pháp quản lý thực phẩm chức năng hiệu quả là phải ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát và kiểm tra. Ứng dụng chuyển đổi số trong với việc quản lý với việc ứng dụng các phần mềm công nghệ, tạo hệ thống cơ sở dữ liệu để theo dõi nguồn gốc, chất lượng và tình trạng của từng lô sản phẩm. Công nghệ cũng được kỳ vọng sẽ giúp giám sát việc thực thi các quy định liên quan đến tiếp thị và quảng cáo thực phẩm chức năng.
Về phía Bộ Y tế, từng trả lời trước Quốc hội vào hồi tháng 11, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông cho rằng sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm soát việc bán hàng theo chức năng của các đơn vị. Bộ Y tế sẽ tích cực thông tin tuyên truyền đến người tiêu dùng để mua sản phẩm trên thị trường cho đúng, an toàn.
Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã thành lập tổ phản ứng nhanh để xử lý về vấn đề này khi phát hiện sai phạm. Đồng thời, cơ quan này đã công khai danh sách các doanh nghiệp được cấp phép sản xuất thực phẩm chức năng, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm uy tín. Bộ Y tế cho biết cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong lĩnh vực quảng cáo.