Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả thúc đẩy tài chính toàn diện
Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều diễn giả. |
TS. Bùi Hữu Toàn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng cho biết, chương trình nằm chuỗi các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm Ngày Tiết kiệm thế giới (31/10), đây cũng là lần đầu tiên sự kiện này được diễn ra tại Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy phong trào và ý thức tiết kiệm, trong đó tập trung tới đối tượng sinh viên.
TS Bùi Hữu Toàn mong rằng, những thông tin, kiến thức được chia sẻ tại sự kiện từ các góc nhìn đa chiều của cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính – ngân hàng, các hiệp hội, và giới học thuật sẽ giúp các em sinh viên tăng cường được nhận thức và hiểu biết về tầm quan trọng và lợi ích của việc tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính – ngân hàng đối với cải thiện đời sống và ổn định kinh tế đất nước.
Cũng tại chương trình, bà Đào Thúy Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước khẳng định chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Tiết kiệm thế giới sẽ giúp trang bị thêm cho các em những kiến thức bổ ích để nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý ngân sách cá nhân hiệu quả, phục vụ thiết thực cho việc học tập cũng như trang bị tốt cho tương lai. Bà cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động, tích cực phối hợp với đơn vị liên quan tiếp tục thúc đẩy nhiều hoạt động hơn nữa nhằm tăng cường nhận thức của người dân về việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng nói chung, tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân nói riêng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó chú trọng đến đối tượng là giới trẻ, phụ nữ, người yếu thế trong xã hội.
Ở Việt Nam, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020 với mục tiêu tổng quát để mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.
Trong đó, xác định rõ phạm vi của các dịch vụ tài chính cơ bản như tiết kiệm, tín dụng, thanh toán, bảo hiểm và các nhóm đối tượng ưu tiên là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, những người yếu thế, lao động di cư, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Với vai trò là đơn vị chủ trì và điều phối xây dựng và triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, NHNN đã chủ động, tích cực thúc đẩy nhiều chương trình nhằm tăng cường nhận thức của người dân về việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng nói chung, tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân nói riêng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chương trình như “Tiền khéo - Tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”, "Đồng tiền thông thái", cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”... có sức lan tỏa cao.
Bên cạnh đó, NHNN và một số trường đại học, học viện với sự hỗ trợ của DSIK đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục tài chính dưới hình thức học hấp dẫn thông qua các trò chơi kinh doanh mô phỏng với nhiều chủ đề khác nhau do DSIK phát triển. Đây là một cách học mới, dễ hiểu, dễ tiếp thu, mang tính tương tác và thực tế cao, được giảng viên và học viên đánh giá cao về nội dung cũng như hình thức thể hiện.
TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng khẳng định, khi có năng lực quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, tài chính cá nhân sẽ luôn duy trì an toàn và chi tiêu hiệu quả hơn, giúp nâng cao khả năng tiết kiệm, thúc đẩy tích lũy tài sản cá nhân, qua đó nâng cao tổng tiết kiệm xã hội, tạo thêm lớp đệm chống sốc cho nền kinh tế cũng như mở rộng vốn đầu tư phát triển kinh tế. Ngoài ra, khi có tài sản tích lũy hay các khoản tiết kiệm, cá nhân mỗi người sẽ chủ động tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ tiết kiệm chính thức từ các tổ chức tài chính để lưu trữ và lấy lãi, tránh lạm phát hằng năm. Điều này một lần nữa lại giúp thúc đẩy tài chính toàn diện.
Chia sẻ về vấn đề tài chính cá nhân và quản lý tài chính cá nhân, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, khi bàn đến tài chính cá nhân thì chúng ta thường hay chỉ nghĩ đến vấn đề đầu tư tài chính hay đầu tư chứng khoán, tuy nhiên vấn đề tài chính cá nhân chi phối một phạm trù rộng hơn rất nhiều. Tài chính cá nhân liên quan đến việc tối ưu hóa ba yếu tố, gồm: Tối ưu hóa nguồn thu nhập, kiểm soát chi tiêu hiệu quả và việc lựa chọn kênh đầu tư phù hợp.
Sau khi có tiết kiệm thì chúng ta mới nghĩ đến vấn đề lựa chọn kênh đầu tư nào là hiệu quả để có thể gia tăng tích lũy tài sản. Diễn biến thị trường tài chính trong một năm qua đã chứng minh cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc hiểu biết kiến thức về các sản phẩm đầu tư quan trọng như thế nào. Người dân không có kiến thức đầu tư cần thiết sẽ rất dễ rơi vào bẫy lừa đảo và tin vào các kênh đầu tư đầy rủi ro.
“Nhiều người nghĩ đến việc đầu tư tuy nhiên đứng dưới góc độ một lãnh đạo của một trường đại học thì chúng tôi đánh giá rất cao về tiềm năng của giá trị sức lao động. Thông qua việc đào tạo nghề nghiệp bài bản và nắm bắt nhu cầu xã hội thì sức lao động của chúng ta có thể trở thành một tài sản có tốc độ tăng trưởng hàng năm cao hơn bất kỳ loại tài sản tài chính này”, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung nói.
Một trụ cột kế tiếp của vấn đề tài chính cá nhân là việc xây dựng và kiểm soát một kế hoạch chi tiêu hiệu quả để có thể duy trì một mức tiết kiệm đều đặn. Nếu không thể gia tăng được thu nhập một cách nhanh chóng như trên thì chúng ta cần học cách theo dõi và quản lý chi tiêu hiệu quả.
Thông thường, mọi người thường có tâm lý việc tài chính cá nhân thì ai cũng mặc nhiên phải biết vì ai mà chẳng biết dùng tiền và vấn đề tài chính cá nhân là một vấn đề khá nhạy cảm khi được nhắc đến trong các cuộc trò chuyện. Chỉ khi va vấp vào các vấn đề tài chính thì bắt đầu chúng ta mới nhận ra tầm quan trọng của của kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.
“Việc quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng rất cần thiết, giống như những kỹ năng khác nó cần được hình thành thông qua quá trình rèn luyện. Không hẳn phải đến khi học đại học hoặc khi chúng ta đi làm có tiền thì mới bắt đầu quan tâm đến tài chính cá nhân”, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.
Ông Christian Grajek, Trưởng đại diện DSIK khu vực Đông Nam Á nhấn mạnh đến vấn đề tiết kiệm, bởi nếu như chúng ta thu nhập lớn hơn chi tiêu thì cần có khoản tiết tiệm hàng tháng. Vấn đề quan trọng là phải biết được những khoản chi tiêu nào là cần thiết và không cần thiết, cần phân biệt được giữa mong muốn và nhu cầu.
“Liệu chúng ta có cần phải mua ngay điện thoại iPhone 14 hay không, hoặc chúng ta có thể tiết kiệm bằng cách tự pha cà phê ở nhà hay đi ra quán!”, ông Christian Grajek lấy dẫn chứng.
Là đơn vị được giao đầu mối triển khai chiến lược, kế hoạch hành động phát triển tài chính toàn diện, TS. Phạm Minh Tú cho biết, NHNN đã đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu trên với kỳ vọng nâng cao sinh kế cho người dân, góp phần phát triển bền vững.
Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện.
Thứ hai, phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, chi phí hợp lý.
Thứ ba, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện.
Thứ tư, hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính, tạo điều kiện giảm phí giao dịch, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tài chính toàn diện.
Thứ năm, giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Thứ sáu, các giải pháp hỗ trợ khác.
Theo TS. Phạm Minh Tú, mọi giải pháp đều hướng tới mục tiêu là tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ, sản phẩm tài chính - ngân hàng của người dân, trong đó có giải pháp tập trung vào giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng tài chính nhằm giúp cá nhân nâng cao hiểu biết tài chính cần thiết cũng như năng lực quản lý tài chính cá nhân, giúp đảm bảo an toàn tài chính, hướng tới chủ động tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
“Do đó, bên cạnh sự nỗ lực triển khai chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ, mỗi cá nhân, đặc biệt các học sinh, sinh viên hãy chủ động học tập hết mình, trau dồi kiến thức về tài chính, đặc biệt các kiến thức về sản phẩm tài chính - ngân hàng chính thức để tiếp cận đến sản phẩm tài chính phù hợp nhu cầu và tăng cường năng lực quản lý tài chính cá nhân bản thân”, TS. Phạm Minh Tú nhắn gửi đến các sinh viên.