Quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô
Covid-19: Kéo giảm tăng trưởng của Trung Quốc và ảnh hưởng tới Việt Nam | |
Ứng phó với Covid-19: Ngân hàng phải tìm cách thích nghi |
Các ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 |
Nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đưa ra 3 kịch bản cơ sở, tích cực và tiêu cực. Việc đánh giá tác động theo tổng cầu, dựa trên 6 cơ sở chính dựa trên kinh nghiệm, đánh giá tác động từ trường hợp tương tự, như dịch SARS (2003); rủi ro và nguy cơ sụt giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới và đặc biệt là của kinh tế Trung Quốc; đánh giá sự phụ thuộc và tác động trong quan hệ kinh tế (thương mại, đầu tư, du lịch…) giữa Việt Nam và Trung Quốc; phân tích thực tiễn cơ cấu ngành và đóng góp vào GDP của một số ngành (lĩnh vực) chịu nhiều tác động...
Tuy đưa ra 3 kịch bản nhưng nhóm tác giả trên dường như nghiêng về kịch bản cơ sở là dịch bệnh tiếp tục diễn biến như trong thời gian qua, nhưng được kiểm soát chặt, không để lây lan sang các vùng mới… Các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư dần phục hồi từ nửa cuối quý II/2020. Với kịch bản cơ sở này, GDP năm 2020 Việt Nam giảm khoảng 0,83 điểm %. Trong đó, GDP quý I giảm 1,23 điểm % và GDP quý II giảm 0,71 điểm %.
Cũng như nhóm tác giả này, kịch bản tăng trưởng kinh tế bị giảm cũng được nhiều chuyên gia tính đến. TS. Nguyễn Đức Độ - Học viện Tài chính nhận định, trước tình trạng bùng phát dịch bệnh này nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng như du lịch, xuất khẩu sụt giảm mạnh, ngay cả các hoạt động hàng ngày của người dân cũng đang bị xáo trộn đáng kể. Áp lực đối với các ngành, lĩnh vực khá lớn, trong đó có lĩnh vực ngân hàng không chỉ trong việc giảm thiểu thiệt hại của DN mà còn phải làm sao để hỗ trợ và duy trì tăng trưởng.
Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, theo nhận định nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV trong quý I/2020, dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm giao dịch ngoại thương, hoạt động sản xuất – kinh doanh của một số DN và hộ gia đình (nhất là trong các lĩnh vực nêu trên) bị suy giảm,… từ đó làm giảm các hoạt động, giao dịch tài chính - ngân hàng (khoảng 1%) và khiến GDP giảm 0,05 điểm %. Từ quý II đến cuối năm, các tác động từ dịch Covid-19 với lĩnh vực này sẽ tăng dần do có độ trễ, khiến GDP giảm 0,08 điểm % trong quý II và GDP giảm 0,11 điểm % cả năm.
Có ý kiến cho rằng, sẽ có 2 kịch bản về tăng trưởng tín dụng. Một là tín dụng khó tăng do nhu cầu vay vốn DN giảm sút nên không đạt mục tiêu đặt ra. Hai là tín dụng sẽ phải vượt mục tiêu đặt ra để kích tăng trưởng kinh tế. Vậy, kịch bản tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 như thế nào.
Trả lời câu hỏi trên, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, còn quá sớm để đưa ra kịch bản chính xác cho tăng trưởng tín dụng cao hay thấp. Trước mắt có thể thấy những khó khăn tác động đến tăng trưởng tín dụng nhưng chưa nhiều. Đánh giá về dài hạn vẫn rất khó dự báo vì còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh này là có thể dừng trong hai tuần tới hay sẽ tiếp tục lan rộng và kéo dài. Ngân hàng này cũng đã lên kịch bản với giải pháp tháo gỡ cụ thể.
Còn hiện tại, ông Tùng cho biết, ngân hàng tập trung đưa ra những giải pháp để tháo gỡ cho khách hàng đang gặp khó khăn, nhất là khách hàng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, khách hàng bị suy giảm dòng thu trong ngắn hạn như DN xuất khẩu, đặc biệt DN xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
“Hiện lượng hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc tồn kho tăng, doanh thu bán hàng chậm đi và ảnh hưởng khả năng trả nợ ngắn hạn nên ngân hàng tìm cách tháo gỡ hỗ trợ để họ vượt qua khó khăn thử thách với nhiều giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ… Giảm lãi suất trong ngắn hạn tuy có ảnh hưởng nhưng không nhiều đến hoạt động kinh doanh ngân hàng. Song với DN lúc này, những hỗ trợ đó là liều thuốc quan trọng để họ vượt qua giai đoạn khó khăn, cũng là cách để ngân hàng giữ cơ sở khách hàng ổn định”, ông Tùng chia sẻ quan điểm.
Tăng trưởng tín dụng chắc chắn bị ảnh hưởng và tăng thấp hơn năm 2019 cũng là đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ - Học viện Tài chính. Theo vị chuyên gia này, khi quy mô hoạt động của DN không mở rộng được thậm chí có thể bị thu hẹp thì nhu cầu vay nợ ít đi, theo đó sẽ tác động đến tăng trưởng tín dụng. Mức độ tác động thế nào phụ thuộc vào bệnh dịch kéo dài đến đâu.
Nhưng, theo nhận định của ông: Kích tăng trưởng tín dụng là không cần thiết. Vấn đề không phải ngân hàng thiếu vốn cho DN vay mà là DN đang thiếu đầu ra từ du lịch đến xuất nhập khẩu. Nhu cầu mở rộng sản xuất không nhiều, DN chưa muốn vay thêm vốn thì việc đẩy tăng trưởng tín dụng cao hơn không giải quyết vấn đề gì…
Có quan điểm tương đồng, TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, tổng cầu của thế giới và Việt Nam đều giảm sút. Nhưng không phải vì hàng hóa đắt đỏ, mà vì dịch bệnh, nên hạn chế mua sắm, du lịch… Vì vậy, việc nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất để kích thích chi tiêu khó có hiệu quả, nếu dịch bệnh chưa được khống chế, người dân vẫn sẽ hạn chế mua sắm, đi du lịch… Như vậy, hiệu quả chính sách mang lại mờ nhạt, mặt khác nới lỏng tiền tệ lại có thể gây ra rủi ro lạm phát và các mặt trái khác.
“Chắc chắn dịch bệnh sẽ khiến tín dụng giảm, điều hành chính sách tiền tệ khó khăn hơn. Nhưng tôi tin rằng, thời gian tới Chính phủ, NHNN sẽ có giải pháp đúng đắn để giữ ổn định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo giá trị đồng tiền, củng cố lòng tin của người dân vào đồng VND... Đây là mục tiêu quan trọng nhất trong điều hành chính sách tiền tệ”, PGS. TS Bảo nhận định.