Ứng phó với Covid-19: Ngân hàng phải tìm cách thích nghi
Vượt qua thách thức từ dịch Covid-19 | |
Dịch bệnh Covid-19 tạo thách thức cho thị trường tài chính |
Ảnh minh họa |
Mức độ ảnh hưởng của dịch đối với mỗi ngành nghề, lĩnh vực sẽ không giống nhau, nhưng chắc chắn đều có những tác động. Trong bối cảnh hiện tại, triển vọng ngân hàng năm nay liệu có khả quan? Thời báo Ngân hàng đã có trao đổi với TS. Châu Đình Linh - chuyên gia kinh tế Trường Kinh doanh SSB xung quanh vấn đề này.
Ông nhận định ra sao về tác động đến ngân hàng từ Covid-19?
Xét về rủi ro của ngân hàng, thông thường sẽ có rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống. Rủi ro nào mà ngân hàng kiểm soát được, hay nói nôm na là chính nội tại ngân hàng đó biết thì họ sẽ tiến hành điều chỉnh, khắc phục, và thực hiện mục tiêu kinh doanh sao cho phù hợp. Nhưng ở đây, với dịch Covid-19, đó là một rủi ro ngoài kiểm soát, ngoài dự báo của nhiều nhà phân tích, nền kinh tế toàn cầu đều trong trạng thái bị động, không riêng ngành ngân hàng.
Nói như vậy để thấy, rất khó trong thời điểm này có thể dự đoán bất cứ điều gì về tình hình kinh tế nói chung và hệ thống tài chính - ngân hàng nói riêng, bởi phụ thuộc rất nhiều vào tình hình diễn biến và sự kiểm soát dịch bệnh này. Nhưng theo tôi, cũng vì khó đoán định nên thay vì co cụm, hay bi quan, ngân hàng phải tìm ra cách để thích nghi, “sống chung với lũ” ở giai đoạn này.
Nói như vậy, các ngân hàng sẽ phải thích nghi ra sao, thưa ông?
Thứ nhất, ngân hàng càng phải hướng tới khách hàng của mình, thậm chí kể cả trường hợp chấp nhận chịu giảm lợi nhuận để có thể giữ chân và hỗ trợ khách hàng. Thứ hai, tiến hành các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị tác động lớn. Thứ ba là tích cực đẩy mạnh thực hiện các giao dịch trực tuyến. Việc đẩy mạnh các hoạt động giao dịch online vẫn giúp ngân hàng duy trì được khách hàng, vẫn có nguồn thu và bù đắp được phần nào cho những hoạt động giao dịch ngoại tuyến. Thêm nữa, ngân hàng cũng có thể tiếp tục triển khai mạnh các hợp đồng bán chéo thông qua nhiều dịch vụ khác.
Vừa qua, Thống đốc NHNN đã có văn bản yêu cầu NHNN các địa phương, TCTD tích cực vào cuộc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại cuộc họp với các NHTM về bàn tính phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch, quan điểm được NHNN đưa ra là các ngân hàng cần theo dõi sát tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như mức độ thiệt hại của khách hàng vay bị ảnh hưởng do dịch để có biện pháp hỗ trợ như cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay...
Thị trường ghi nhận nhiều NHTM đã có động thái tung ra các gói tín dụng với lãi suất hỗ trợ cho những khách hàng vay mới, hay giảm lãi suất trực tiếp cho các doanh nghiệp đã vay. Dẫu biết là việc điều chỉnh lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ... chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận danh nghĩa cũng như trên báo cáo tài chính của nhà băng. Nhưng nếu ngân hàng không tiến hành thì nợ xấu sẽ tăng vì doanh nghiệp gặp khó khi thanh toán nợ cho ngân hàng.
Đơn cử như với các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông sản ùn ứ không xuất khẩu được sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp, gián tiếp tác động tới ngân hàng. Các ngân hàng đều nhận thức rất rõ điều này nên đã có những động thái để điều chỉnh cho phù hợp.
Triển vọng kinh doanh ngân hàng năm nay sẽ thế nào, theo quan điểm của ông?
Kế hoạch kinh doanh của mọi chủ thể trong hoạt động kinh doanh đều có mục tiêu, nếu quý I chưa làm được có thể đẩy sang quý II, nhưng cũng cần phải lưu ý rằng ở đây còn vướng tới chu kỳ kinh doanh, không phải lúc nào cũng thuận lợi. Theo cá nhân tôi, hoạt động kinh doanh năm nay sẽ khó đạt được kết quả quá rực rỡ, nếu đạt khoảng 70 - 80% so với kỳ vọng ban đầu là rất lạc quan rồi, vì thậm chí nhiều ngành còn không đạt được mức như vậy.
Một trong những phương thức để cải thiện tình hình là đẩy mạnh giao dịch trực tuyến. Nhưng điều này cũng đi kèm với điều kiện ngân hàng phải có hệ thống nền tảng tốt. Đó là lợi thế cho những nhà băng đã xây dựng hệ thống online được vận hành tốt. Những ngân hàng đầu tư mạnh cho kênh online, có thể thời điểm trước kia không thu phí cho các hoạt động của doanh nghiệp thực hiện qua kênh này để thu hút người dùng, mở rộng thị phần thì bây giờ khi có được cơ số khách hàng, nắm được thị phần thì có thể tiến đến thu phí.
Tôi biết có một số nhà băng tính tới chuyện giảm lãi suất cho chi nhánh trong hệ thống (qua điều hòa vốn trung tâm). Tuy nhiên, cũng phải tính tới lãi suất sẽ giảm ở lĩnh vực nào, cần nhìn trên đa biến. Chi phí về lãi vay chỉ là một trong những chi phí kinh doanh, tại sao không đặt vấn đề giảm chi phí hoạt động, chi phí nhân sự, tái cơ cấu lại chi nhánh?
Cũng có những chi nhánh của ngân hàng tính tới việc tăng thu từ dịch vụ, nhưng gặp khó khăn do không kinh doanh được dịch vụ ngân hàng, khi bản thân ngân hàng đó không có định hướng thu mạnh từ dịch vụ, mà vẫn đặt nặng tín dụng. Nói lại điều này để nhấn mạnh rằng, những ngân hàng nào chuyển dịch cơ cấu lợi nhuận từ tín dụng sang dịch vụ từ trước thì sẽ có lợi hơn, giảm thiểu tác động từ những rủi ro khó lường đón.
Xin trân trọng cảm ơn ông!