Quảng Bình: Động lực thoát nghèo từ tín dụng ưu đãi
Hiện thực hóa khát vọng thoát nghèo ở Bắc Kạn | |
Những "cần câu" giúp thoát nghèo | |
Tín dụng chính sách: “Chìa khoá” thoát nghèo ở Hoà Bình |
Kỳ vọng thoát nghèo ở miền quê Quảng Bình “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” đang dần thành sự thật với tỷ lệ hộ nghèo trong 5 năm qua giảm mạnh, từ 14,42% (năm 2016) xuống còn 3,5% (năm 2021). Điển hình tại huyện miền núi biên giới Minh Hóa, tuy gặp khó khăn về dịch bệnh Covid-19, thiên tai bão lũ nhưng đã giảm đến hơn 500 hộ nghèo; Trọng Hóa xã đặc biệt khó khăn còn có 18 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Thành tựu đó là minh chứng sống động về sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trong việc phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp ngành, mặt trận, đoàn thể tham gia thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tỉnh đã tập trung huy động lồng ghép các nguồn lực, trong đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) quản lý được xem là trụ cột đối với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân trên quê hương phong trào “2 giỏi” từ thời chống Mỹ.
Các bộ NHCSXH Quảng Bình tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai một số chương trình cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ |
Thực tế cho thấy, nguồn vốn ưu đãi ở Quảng Bình đã được huy động hiệu quả, tăng trưởng đều đặn, đáp ứng nhu cầu vay vốn để sản xuất, phát triển kinh tế của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
*****
Giám đốc NHCSXH Quảng Bình, ông Trần Văn Tài là người được anh em, đồng chí tín nhiệm, giao trọng trách cầm lái đưa con tàu vượt qua sông lớn, gió to, chuyên chở kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến tận từng hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn từ trên miền núi cao Minh Hóa, Tuyên Hóa, đến ngoài biển xa Quảng Trạch, Lệ Thủy. Ông cho biết, Quảng Bình vốn có 3 khó khăn đặc thù là điều kiện địa lý phức tạp; phong tục, tập quán lạc hậu; việc ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất còn hạn chế. Thêm vào đó, gần đây dịch bệnh Covid-19 còn tác động và ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội và công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Trong bối cảnh đó, những năm qua, NHCSXH Quảng Bình luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của ngân hàng cấp trên, của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt trẽ của các ban ngành, đoàn thể. Đặc biệt với tinh thần đoàn kết, chẳng quản ngại gian nan, thử thách, những cán bộ tín dụng chính sách đã dốc công sức tập trung tạo lập được nguồn vốn lớn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ, góp phần quan trọng tạo sự đổi thay mạnh mẽ trên khắp mọi miền quê Quảng Bình.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở nơi đây chính là “chiếc phao cứu sinh” cho người dân trụ lại dải đất hẹp “lưng tựa Trường Sơn, mắt nhìn Đông hải”. Ví như tại xã Minh Hóa, huyện miền núi biên giới Minh Hóa, có 776/927 số hộ dân là khách hàng của NHCSXH, đã sử dụng hơn 17 tỷ đồng vốn ưu đãi đầu tư trồng rừng, thâm canh ruộng vườn, phát triển chăn nuôi. Tiêu biểu là gia đình chị Hồ Thị Xanh đang trở thành hình mẫu để người dân học tập về mô hình phát triển kinh tế. Khởi đầu với việc tiếp cận vốn NHCSXH chỉ 5 triệu đồng để xóa nhà dột nát, chị Xanh đã mạnh dạn vay thêm 40 triệu đồng vốn tín dụng dành cho hộ nghèo để trồng rừng và chăn nuôi bò. Thoát nghèo từ năm 2008, nay dù trong diện nghèo đa chiều theo tiêu chuẩn mới, nhưng chị Xanh cũng gom cho mình một gia tài kha khá là 10 con trâu, 5 ha rừng tràm và làm được bằng một căn nhà gỗ khang trang, rộng rãi.
Hay như gia đình anh Cao Xuân Lực, người đồng bào Rục là hộ nghèo của xã Thượng Hóa (Minh Hóa) sau 2 lần vay vốn ưu đãi đã khai hoang trồng 2 ha rừng keo lá chàm và nuôi cặp trâu sinh sản. Từ đó, cuộc sống tạm đủ nên anh đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Sau gia đình anh Lực, ba gia đình đồng bào dân tộc khác ở Thượng Hóa cũng chủ động viết đơn như vậy. Điều này cho thấy sự thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS, không trông chờ, ỷ lại mà cùng sự hỗ trợ tích cực của vốn ưu đãi vươn lên thoát nghèo.
Nguồn vốn ưu đãi tiếp sức cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo |
Ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa khẳng định nguồn vốn ưu đãi đã lồng ghép chặt chẽ với các nguồn lực tài chính khác và chuyển đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp cho toàn huyện giảm được khoảng 4% hộ nghèo, sớm đưa địa phương thoát khỏi danh sách huyện nghèo 30a
Từ vùng cao biên giới Minh Hóa, đến nay, vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã phủ kín cả dải đất Quảng Bình với 90% tổng diện tích tự nhiên là đồi núi và vùng cát ven biển. Hiện hầu hết hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS đã được tiếp cận tín dụng ưu đãi.
*****
Có được kết quả này, theo Giám đốc Trần Văn Tài, trước hết là do các cấp ủy, chính quyền ở Quảng Bình đã xác định, tạo nguồn lực cho giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài. Qua đó đã tạo điều kiện cho NHCSXH huy động các nguồn lực tài chính, trong đó chú trọng khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa bàn hoạt động. Cụ thể sau hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, dù còn là tỉnh nghèo, nhưng Quảng Bình vẫn ưu tiên chuyển vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH tới 127,1 tỷ đồng, tăng 110,5 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị. Cùng với đó, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên đã làm tốt hơn công việc truyền dẫn nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, thế nên được tin tưởng thực hiện ủy thác tới 99% tổng dư nợ của NHCSXH. Các tổ TK&VV được kiện toàn, củng cố, nay có đủ tiêu chí 3 đủ: đủ số thành viên, đủ vốn hoạt động, Tổ trưởng đủ năng lực quản lý kinh tế, tín dụng.
Với nguồn vốn lớn cùng mạng lưới rộng khắp, NHCSXH Quảng Bình đã chủ động đổi mới quy trình thủ tục cấp tín dụng chính sách, đưa vốn chính sách tới đúng các đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, những người làm tín dụng chính sách trên mảnh đất này đã quyết chí vượt khó, vừa tăng cường phòng chống dịch bệnh, vừa huy động vốn nhanh, chuyển vốn kịp thời xuống 151 Điểm giao dịch và phân bổ vốn tới 2.206 Tổ TK&VV để cho vay trực tiếp từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào DTTS khó khăn, giúp nhân dân khôi phục sản xuất, hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương tái sản xuất cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHCSXH Quảng Bình đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, bắt tay ngay vào hành động như rà soát nhu cầu vốn tín dụng chính sách thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trên toàn địa bàn. Trong đó tập trung vào các chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, chương trình nhà ở xã hội; cho vay chương trình mục tiêu quốc gia kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; chương trình học sinh các cấp có hoàn cảnh gia đình khó khăn chưa có máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến trong giai đoạn dịch Covid-19; cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19… UBND tỉnh đã phê duyệt nhu cầu vốn 5 chương trình trên với số tiền 1.246 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là cho vay hỗ trợ tạo việc làm 758 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội 463 tỷ đồng…
Hành trình 20 năm của tín dụng chính sách ở Quảng Bình, tuy gian nan nhưng đã gặt hái nhiều thành công. Dòng vốn ưu đãi đã và đang chảy đều, thấm sâu trong lòng đất duyên hải vùng Bắc Trung Bộ này, giúp cho cuộc sống đồng bào các dân tộc ngày càng tươi vui, no đủ. Cuộc hành trình này còn tiếp diễn với những cam go gian khó nhưng những người làm tín dụng chính sách vẫn nỗ lực thực hiện tốt hơn, nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong nhiệm vụ huy động các nguồn lực tài chính, truyền tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn về khắp vùng miền, đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần đạt được mục tiêu thoát nghèo bền vững, dựng xây cuộc sống mới phồn vinh.