Quảng Nam: Chấn chỉnh “kẽ hở” trong công tác đấu giá
Bộ Xây dựng: Nhiều nhà đầu tư đấu giá đất cao rồi "bỏ cọc" Cần quản lý chặt công tác đấu giá đất |
Từ vụ đấu giá mỏ cát bất thường…
Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam, mỏ ĐB2B có diện tích 6,04 ha, với trữ lượng ước tính 159.000 m³ cát và mức giá khởi điểm là 1,2 tỷ đồng. Sau 20 giờ đấu giá căng thẳng với 200 vòng đấu, phiên đấu chốt giá lên tới 370 tỷ đồng, gấp 1.500% so với giá khởi điểm, gây bất ngờ cho các bên tham gia.
Công ty cổ phần MT Quảng Đà có trụ sở tại TP. Đà Nẵng, là đơn vị đặt giá cuối cùng. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 5/2022, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và chỉ mới mở rộng ngành nghề vào đầu năm 2023, bao gồm cả khai thác khoáng sản.
Ngoài MT Quảng Đà, một số công ty khác cũng tham gia trả giá cao trong phiên đấu, như Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Khoáng sản Miền Trung, Công ty TNHH Xây lắp, Thương mại và Dịch vụ Tân Nguyên Văn, và Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn Thăm dò Địa chất Trung Trung Bộ. Theo tính toán, với mức giá trúng đấu 370 tỷ đồng, tương đương 2,3 triệu đồng/m³, các doanh nghiệp chỉ có lãi nếu bán giá cát cao hơn mức này. Tuy nhiên, thực tế, giá cát địa phương dao động chỉ từ 370 đến 400 nghìn đồng/m³.
Trước tình trạng bất hợp lý này, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND thị xã Điện Bàn vào cuộc kiểm tra, làm rõ dấu hiệu bất thường, nghi vấn thao túng giá thị trường để trục lợi, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh được giao rà soát toàn bộ quy trình đấu giá, đặc biệt về năng lực tài chính và các thủ tục liên quan đến mỏ ĐB2B. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Công an tỉnh điều tra động cơ của hành vi trả giá cao bất thường này, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường. Trong khi chờ kết quả điều tra, UBND thị xã Điện Bàn quyết định tạm hoãn công nhận kết quả đấu giá cho mỏ cát ĐB2B.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, dư luận đã đặt nhiều nghi vấn về sự minh bạch của phiên đấu giá. Một số doanh nghiệp đã đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp chế tài để ngăn chặn tình trạng bỏ giá cao nhưng sau đó bỏ cọc, gây thiệt hại cho tổ chức và người tham gia đấu giá.
Lộn xộn trong đấu giá sẽ ảnh hưởng đến thị trường vật liệu xây dựng, bất động sản |
… Đến “siết” công tác quản lý
Tương tự, với vụ việc ở Quảng Nam, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã vào cuộc xác minh lý do một doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát tại thị trấn Hồi Xuân (huyện Quan Hóa) với giá trúng đấu thầu cao hơn 5.000% so với giá khởi điểm. Hay tại Hà Tĩnh, dư luận xôn xao về việc một doanh nghiệp đã trúng quyền khai thác 3 trong số 4 mỏ khoáng sản được đưa ra đấu giá để làm vật liệu xây dựng thông thường. Điều đáng nói, doanh nghiệp này có tuổi đời chưa đến 1 tháng, vốn điều lệ 5 tỷ đồng, lại trúng đấu giá 3 mỏ khoáng sản với số tiền lên đến gần 200 tỷ đồng…
Với những vụ việc có nhiều dấu hiệu bất thường như vậy, phải chăng các quy định liên quan đến đấu giá hiện nay vẫn còn những “kẽ hở” khiến việc kiểm soát đấu giá trở nên khó khăn?
Trên thực tế, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường được cơ quan thông tin đại chúng phản ánh) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Những hiện tượng này có thể tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản...
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp ở Đà Nẵng cũng như Quảng Nam, hiện có tình trạng đáng báo động là một số công ty chỉ được lập ra để chuyên đi đấu giá các mỏ khai thác khoáng sản. Những doanh nghiệp này không có nhu cầu khai thác thực sự mà tham gia đấu giá với mục đích không trong sáng. Cụ thể, khi đến buổi đấu giá, họ tìm hiểu, nắm bắt công ty nào có nhu cầu thật sự để thương lượng “chung chi”. Công ty nào muốn trúng đấu giá phải chung cho họ một khoản tiền nhất định, nếu không đáp ứng thì họ sẽ “phá” bằng cách liên tục đưa ra mức giá cao, đẩy các phiên đấu giá kéo dài với mức trúng đấu giá cao bất thường và sau đó bỏ cọc.
Liên quan đến vụ đấu giá mỏ cát bất thường ở Quảng Nam, ngày 29/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng đã có công văn 8334 gửi các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải chú trọng khâu lập hồ sơ mời tham gia đấu giá, xét chọn hồ sơ chặt chẽ để lựa chọn những doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu giá.
Trong quá trình thực hiện đấu giá, trường hợp có yếu tố bất thường với giá trả cao hơn nhiều lần so với giá bán ra của cùng chủng loại khoáng sản tại địa phương, nhằm mục đích “phá” cuộc đấu giá, gây nhiễu loạn thị trường hoặc có biểu hiện lợi dụng tham gia đấu giá để các tổ chức, cá nhân khác phải thương lượng nhằm trục lợi thì cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh các cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá có hành vi vi phạm.