Quỹ DFCD kết nối tài trợ vốn phát triển dự án xanh
Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) vừa công bố sẽ thúc đẩy hoạt động kết nối nguồn lực tài trợ nhằm phát triển mạnh các mô hình kinh tế xanh tại Việt Nam, nhất là các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, đại diện quỹ này cho biết đến nay đã có một số đối tác cùng phối hợp với DFCD tham gia tài trợ cho các dự án kinh tế xanh tại Việt Nam, bao gồm Quỹ Climate Fund Managers (CFM, tài trợ khoảng 75 triệu EUR), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF, tài trợ khoảng 30 triệu EUR), FMO-Entrepreneurial Development Bank (tài trợ khoảng 55 triệu EUR).
Các lĩnh vực trọng tâm mà DFCD và các đối tác hướng tới để tài trợ vốn là các dự án về nước sạch, vệ sinh môi trường, lâm nghiệp và nông nghiệp bền vững.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn thử nghiệm, DFCD và các đối tác sẽ tài trợ vốn thí điểm không hoàn lại 15.000 EUR cho mỗi dự án. Đến giai đoạn vay vốn nhân rộng, mức tài trợ sẽ được nâng lên tối đa 10 triệu EUR cho một dự án.
Để nhận tài trợ vốn từ DFCD, các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án kinh tế xanh cần đáp ứng một số yêu cầu như: có tổng giá trị tài sản hoặc doanh thu hàng năm ít nhất 6 triệu EUR (tương đương khoảng 15,23 tỷ đồng), có báo cáo tài chính chi tiết doanh thu trong 3 năm gần nhất và dự án được đề xuất nhận tài trợ đáp ứng được các tiêu chí do DFCD đặt ra.
Theo DFCD, tiêu chí để tổ chức này đánh giá xét chọn dự án tài trợ bao gồm các điều kiện như: tiềm năng hiệu quả về mặt tài chính, lợi nhuận; tác động tích cực đến môi trường; hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội; dự án có quy mô ngân sách (giai đoạn vay) khoảng 10 triệu EUR, mức vay khoảng 6-7 triệu EUR và có khả năng nhân rộng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều mô hình kinh tế xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long do WWF tài trợ đã đạt kết quả tích cực thời gian qua |
Được biết, trong số các đối tác cùng phối hợp tài trợ vốn cho các mô hình kinh tế xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long, hiện WWF Việt Nam đã tài trợ khá thành công nhiều dự án liên quan đến các lĩnh vực như: phục hồi môi trường sống tự nhiên, sản xuất thực phẩm bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như: Dự án đầu tư sản xuất lúa tôm có trách nhiệm, quy mô 110 hecta, đầu tư tại Cà Mau, Trà Vinh và Bến Tre (lợi nhuận 99 triệu đồng/ha, gấp 3 lần so với canh tác lúa truyền thống, giảm sụt lún 10-40%); Dự án giải pháp thuận tiện thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy mô 150 hecta, đầu tư tại Long An (lợi nhuận mô hình lúa nổi kết hợp nuôi cá đạt 20 triệu đồng/ha, giảm từ 10-20% chi phí bơm nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm 3 lần tình trạng sụt lún); Dự án tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn, quy mô đến năm 2023 khoảng 100 hecta, đầu tư tại Bạc Liêu và Cà Mau (kết quả bước đầu cho thấy năng suất các mô hình luân canh lúa - tôm cao gấp 2,5 lần canh tác thông thường, năng suất mô hình trồng rừng kết hợp nuôi tôm tăng 1,2-1,5 lần so với canh tác thông thường).