“Quỹ” - điểm sáng tín dụng vi mô
Thống kê đến thời điểm hiện nay, cả nước đã giải ngân được khoảng gần 70.000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ. Hàng trăm dự án ở các địa phương đã tiếp cận được vốn vay, giúp giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động nông thôn. Chỉ tính riêng trong quý I/2014, Quỹ đã hỗ trợ trên 70.600 người vay với tổng số dư nợ hơn 810 tỷ đồng. Trong khi đó nợ quá hạn chỉ chiếm khoảng 0,61% trên tổng dư nợ.
Ảnh minh họa
Có được những thành quả trên, trước hết cần ghi nhận đóng góp lớn của VBSP, bởi với tư cách là đơn vị được giao chức năng quản lý, cho vay và thu hồi vốn của chương trình, NH này đã triệt để sử dụng nguồn vốn của Quỹ để cho vay. Với lợi thế có hệ thống “chân rết” rộng khắp và sát sườn với nông dân ở khắp vùng nông thôn, các tổ vay vốn của VBSP đã cung ứng vốn đến tận hộ vay thông qua các tổ chức xã hội - chính trị ở cơ sở như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Hội Người mù và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khiến hệ số sử dụng vốn và tỷ lệ giải ngân liên tục tăng lên trong khi các dự án kém hiệu quả, không thu được nợ ngày càng giảm.
Ghi nhận thực tế tại các tỉnh khu vực phía Nam có thể thấy, từ năm 2002 trở về trước nguồn lực từ ngân sách của các địa phương tham gia vào chương trình chỉ tăng trưởng ở mức khoảng 3,3 tỷ đồng mỗi năm, nhưng từ 2003 đến nay nhờ sự tham gia tích cực của VBSP cũng như việc xã hội hóa huy động vốn vào nguồn Quỹ, nguồn vốn đã tăng trên 100 tỷ đồng/năm.
Với phương pháp thu hồi vốn và lãi tại các điểm giao dịch và trụ sở NH thông qua sự phối hợp chặt chẽ của Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đã tạo điều kiện cho người vay tiết kiệm được chi phí đi lại để trả vốn và lãi. Hơn nữa, thông qua việc ủy nhiệm cho Tổ trưởng Tổ TK&VV thu nợ, người vay có thể tiết kiệm từ các khoản thu nhỏ để trả lãi, đồng thời tạo kênh giám sát vốn vay thường xuyên từ Tổ TK&VV. Từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và khả năng quay vòng vốn, tránh được thất thoát.
Sau 22 năm hình thành và phát triển (từ 1992) đến nay nguồn vốn của Quỹ phân bổ về các địa phương bình quân đạt khoảng 300-400 tỷ đồng. Mặc dù chỉ đảm bảo đáp ứng được 35%-40% nhu cầu vốn vay của nhân dân, chương trình đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô hộ gia đình khôi phục các ngành nghề truyền thống tại nhiều địa phương, tạo việc làm cho nhiều người lao động, đặc biệt những lao động phải chuyển đổi do đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng, lao động nữ, lao động là người tàn tật.
Mặc dù 1-2 năm trở lại đây, một số NHTM đã đẩy mạnh các chính sách cung cấp vốn ưu đãi lãi suất đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên, nguồn vốn từ Quỹ thông qua VBSP vẫn được người dân lựa chọn vì cách thức tiếp cận thông qua các Tổ TK&VV đơn giản và thân thiện hơn.
Trong thời gian tới, các bộ, ngành sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Dự thảo sẽ bổ sung một số điều khoản chi tiết thi hành các điều luật của Bộ luật Lao động và Luật Việc làm. Liên quan đến Quỹ, Nghị định dành riêng 1 chương để quy định các điều khoản cụ thể về vai trò của từng bộ ngành, tổ chức chịu trách nhiệm theo từng cấp dự án, chương trình nhằm quản lý nguồn quỹ minh bạch, tránh tình trạng gây chồng chéo, lãng phí.
Ngoài ra, để tăng tỷ lệ cho vay các dự án lớn, Dự thảo cũng chấp thuận đưa các đối tượng DNNVV, hợp tác xã, tổ hợp tác vào danh mục các đơn vị, cá nhân được vay từ Quỹ. Riêng các đơn vị sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được ưu tiên vay vốn với mức lãi suất thấp hơn. Những quy định trên chắc chắn sẽ khiến Quỹ góp phần tích cực hơn nữa trong việc đảm bảo an sinh xã hội và phát triển sản xuất kinh doanh tại các địa phương. Mô hình cho vay thông qua các Tổ TK&VV của VBSP sẽ tiếp tục là mô hình thành công lớn trong việc triển khai chính sách tín dụng vi mô - một trong những mảng mà hệ thống NHTM ít nhiều còn bỏ ngỏ.
Thạch Bình