Quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của VDB
Dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở mô hình thực tế hiện nay của VDB, đặt trong bối cảnh đang thực hiện Đề án Cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu tại VDB, Dự thảo Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của VDB (theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Công văn số 10467/VPCP-KTTH ngày 5/12/2016)... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho VDB trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Một số điểm đáng chú ý tại dự thảo là quy định về giới hạn cấp tín dụng, tỷ lệ dự trữ thanh khoản, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động…
Về giới hạn cấp tín dụng, Dự thảo quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng của VDB (bao gồm cả tín dụng đầu tư của Nhà nước) tính trên vốn tự có của VDB không được vượt quá 15% đối với một khách hàng, không được vượt quá 25% đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Giải thích điểm này, cơ quan soạn thảo cho rằng quy định như vậy để phù hợp với khoản 2, Điều 7 Nghị định 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ quy định về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Đối với tỷ lệ dự trữ thanh khoản, VDB phải duy trì tỷ lệ dự trữ thanh khoản tối thiểu theo lộ trình sau: kể từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2019 là 2%; từ ngày 1/1/2020 là 5%. Công thức tính: Tỷ lệ dự trữ thanh khoản = Tài sản có tính thanh khoản cao/tổng Nợ phải trả.
Cơ quan soạn thảo giải thích, Dự thảo quy định lộ trình thực hiện do, nếu áp dụng theo mức của ngân hàng thương mại, VDB sẽ khó có thể tuân thủ tỷ lệ này (kết quả tính thử theo Thông tư 36 tại các thời điểm 31/12/2015; 31/12/2016 và 31/5/2017 lần lượt là 2,078%; 1,524% và 0,452%).
Tài sản có tính thanh khoản cao của VDB ít, chủ yếu là tiền mặt, vàng; tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và tiền gửi không kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác ở trong nước và nước ngoài; VDB không có giấy tờ có giá sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, nhu cầu dự trữ thanh khoản của VDB không cao do không tham gia nhiều các hoạt động thanh toán, dòng tiền luân chuyển ít, do đó việc yêu cầu duy trì dự trữ thanh khoản nhiều sẽ làm phát sinh thêm chi phí cho VDB.
Về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động, Dự thảo quy định tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động = tổng dư nợ cho vay/tổng vốn huy động. Trong đó, tổng dư nợ cho vay không gồm các khoản cho vay từ nguồn vốn ODA, ủy thác cho vay mà VDB không chịu rủi ro; tổng vốn huy động gồm tiền gửi, tiền vay, phát hành giấy tờ có giá, không tính nguồn vốn ODA và vốn nhận ủy thác mà VDB không chịu rủi ro.
Đáng chú ý là tỷ lệ áp dụng quy định: từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2019 là 95%; từ ngày 1/1/2020 là 90%.
Cơ quan soạn thảo cho rằng quy định trên phù hợp đặc thù thực tế hoạt động của VDB, nguồn vốn huy động chủ yếu là trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, vay tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân sách Nhà nước, không huy động từ dân cư; định hướng đã được Bộ Tài chính thống nhất về việc yêu cầu VDB phải nắm giữ lượng tài sản có tính thanh khoản cao so với quy mô tổng nợ phải trả để chủ động triển khai các giải pháp cần thiết đảm bảo an toàn chi trả, thanh khoản là 2%, tiến tới là 5%.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định việc xác định vốn tự có của VDB căn cứ vào số liệu ngày làm việc cuối cùng của tháng gần nhất; tỷ giá quy đổi để tỷ lệ, giới hạn an toàn trong hoạt động của VDB hạch toán theo tỷ giá nội bộ là tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với đô la Mỹ và áp dụng tỷ giá tính thuế 10 ngày của Ngân hàng Nhà nước công bố đối với các ngoại tệ còn lại; đối với các Hiệp định vay vốn ODA, tỷ giá hạch toán được quy định tại Hiệp định…