Rất cần giải pháp nhanh, đúng và hiệu quả
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương |
Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp và khó lường, dường như khó khăn của sản xuất kinh doanh và nền kinh tế đã nghiêm trọng hơn?
Thông qua các chỉ số thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý I có thể thấy tình hình khá nghiêm trọng. Ở 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bị thiếu nguồn cung nguyên vật liệu do dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, song hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn duy trì được ở mức cầm cự. Nhưng sang đến tháng 3, dịch bùng phát ra toàn cầu, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi mà tất cả các thị trường, đối tác quan trọng của Việt Nam đều có diễn biến dịch phức tạp... Nhiều quốc gia đã hạn chế đi lại, nhiều hợp đồng kinh tế, các sự kiện và các hoạt động bị dừng, giãn, hoãn thậm chí là hủy bỏ.
Theo ý kiến của các tổ chức, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, dịch bệnh càng kéo dài thì tình hình càng nghiêm trọng hơn. Doanh nghiệp gặp khó khăn cả “đầu vào” và “đầu ra”. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, không có nguồn cung nguyên liệu thay thế; trong khi thị trường đầu ra bị ảnh hưởng do các đơn hàng bị hủy, hoãn, không có đơn hàng mới, nên dù có sản xuất được thì cũng lưu kho mà không bán được. Điều này khiến cho dòng tiền của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thanh khoản của doanh nghiệp giảm, phải tạm ngừng hoạt động, giảm quy mô, giảm nhân công...
Nhiều ý kiến cho rằng dịch bệnh sẽ đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Liệu Việt Nam có bị kéo vào suy thoái này?
Theo ý kiến chung của quốc tế, dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái với mức độ trầm trọng tương đương, thậm chí còn lớn hơn so với năm 2009; kéo theo hệ lụy là khủng hoảng xã hội do thiếu nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội. Những giải pháp tài khóa, tiền tệ riêng lẻ của các quốc gia có thể không giúp đối phó được với quy mô toàn cầu và mức độ phức tạp của cuộc suy thoái. Nếu dịch bệnh kéo dài kết hợp với chu kỳ 10 năm khủng hoảng có thể lặp lại thì tác động có thể lớn hơn so với khủng hoảng năm 2008-2009.
Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; trong khi tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, năng lực nội tại, tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các doanh nghiệp trong nước trước những biến động của thế giới còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, tác động của dịch Covid-19 là rất nghiêm trọng. Nếu dịch kéo dài, trong tình huống xấu nhất có thể dẫn đến tình trạng đình trệ sản xuất trong nước, đặt ra thách thức lớn về bảo đảm việc làm, an sinh và ổn định xã hội. Bên cạnh đó áp lực lạm phát tăng cao, khả năng hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn.
Các giải pháp hỗ trợ hiện nay giúp DN củng cố “sức khỏe” để vươn lên khi dịch bệnh đi qua |
Vậy kịch bản nào cho tăng trưởng những quý tới đây?
Kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 đã đề ra sẽ gặp rất nhiều thách thức. Nếu Covid-19 kéo dài đến hết quý II, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế sẽ chịu tác động nghiêm trọng hơn rất nhiều. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32%, giảm 1,48 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra. Còn trường hợp dịch được khống chế trong quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%, giảm 1,75 điểm phần trăm so với mục tiêu.
Vậy ta có cơ hội “lật ngược tình thế” hay không?
Việc “lật ngược tình thế” nếu được hiểu là không những vượt qua suy giảm tăng trưởng mà còn vươn lên đạt mục tiêu đề ra. Đây là thách thức rất lớn và phụ thuộc rất nhiều diễn biến của Covid-19. Dịch bệnh càng kéo dài thì cơ hội này càng ít đi.
Với mức tăng trưởng quý I là 3,82% và nếu quý II tiếp tục thấp do dịch bệnh kéo dài thì nhiệm vụ lật ngược tình thế của 2 quý còn lại là rất nặng, 2 quý này tăng trưởng phải 8-9% mới có thể đạt được mục tiêu 6,8% của cả năm. Đó là chưa kể tình trạng Covid-19 còn diễn ra rất khác nhau giữa các quốc gia, trong khi các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi dịch phải được kiểm soát và kết thúc trên phạm vi toàn cầu và việc phục hồi như ban đầu cũng phải diễn ra đồng đều trên phạm vi toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, theo Thứ trưởng cần hỗ trợ thế nào để sản xuất, kinh doanh duy trì được sự sống, giảm thiểu được thiệt hại và để Việt Nam phục hồi nhanh sau dịch?
Hiện các cấp, các ngành đã khẩn trương triển khai đồng bộ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đề ra tại Chỉ thị số 11/CT-TTg. Bản thân các doanh nghiệp cũng đang rất nỗ lực để hạn chế tối đa tình trạng đình trệ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc duy trì trạng thái cầm cự hiện nay cũng là một giải pháp để chuẩn bị “sức khỏe” cho các doanh nghiệp và nền kinh tế sẵn sàng phục hồi nhanh ngay sau khi dịch qua đi.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và kéo dài thì cần các giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn với phương châm “phòng, chống dịch là ưu tiên hàng đầu”, để duy trì các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức cầm cự và chống chịu trong thời gian dịch còn diễn ra là cấp bách. Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện, tận dụng tốt thời cơ để phục hồi nhanh ngay sau dịch là quan trọng.
Ngoài các chính sách tiền tệ, tín dụng, giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí... đã đề ra tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa rồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ cho ý kiến về Nghị quyết chuyên đề. Trong đó quyết nghị sử dụng một phần ngân sách nhà nước để thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Trọng tâm là hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch. Tinh thần là Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động.
Nguyên tắc chung khi xây dựng và thực hiện các giải pháp là nhằm giải quyết “nhiệm vụ kép”, vừa ưu tiên phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội. Huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ công tác bảo đảm sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, duy trì sản xuất kinh doanh...
Theo đó, các chính sách hỗ trợ phải nhanh, dễ làm, kịp thời, đúng đối tượng, hiệu quả, áp dụng phù hợp với từng giai đoạn, công khai, minh bạch. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và diễn biến của kinh tế thế giới, giữ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, tranh thủ cơ hội để phục hồi nhanh trở lại.
Cảm ơn Thứ trưởng đã trả lời phỏng vấn!