Rộng đường phát triển cho vay trực tuyến
Cho vay trực tuyến: Một số vấn đề và những lưu ý |
Ông nhận định thế nào về cơ hội để thúc đẩy cho vay trực tuyến tại Việt Nam?
Thực tế, thị trường cho vay trực tuyến đã phát triển mạnh mẽ trong khoảng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, mới chỉ phát triển nhiều đối với các khoản vay tiêu dùng nhỏ lẻ và đa số từ các công ty Fintech. Thời gian qua, một số tổ chức tín dụng đã và đang thử nghiệm, triển khai sản phẩm dịch vụ đăng ký khoản vay trực tuyến cho khách hàng cá nhân và đã nhận được ủng hộ vì sự tiện lợi, nhanh chóng trong tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ. Tuy nhiên, do hình thức cấp tín dụng này chưa được quy định cụ thể trong luật, mặt khác, dữ liệu chưa được “làm sạch” lớn, tài khoản ảo nhiều, các ngân hàng cũng không mặn mà đẩy mạnh vì ngại rủi ro.
Cơ hội để phát triển cho vay trực tuyến tại Việt Nam rất lớn, đây là thị trường rất tiềm năng, đem lại nhiều lợi ích cho cả phía khách hàng và ngân hàng. Cụ thể, đối với khách hàng, họ sẽ được tiếp cận vốn nhanh chóng, thuận tiện hơn, nhất là đối với những khoản vay tiêu dùng nhỏ lẻ với chi phí thấp hơn. Về phía ngân hàng, cho vay trực tuyến sẽ đem lại sự hài lòng cho người dùng, từ đó tạo khách hàng thân thiết cho các nhà băng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng sẽ quản trị rủi ro tốt hơn dựa vào nguồn dữ liệu đã được làm sạch, thủ tục, quy trình được số hoá cũng sẽ giảm bớt chi phí hoạt động.
Hiện NHNN đang tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử, điều này sẽ có tác động như thế nào trong việc thúc đẩy cho vay trực tuyến, thưa ông?
Theo tôi được biết, thời gian tới, NHNN sẽ ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN, trong đó có nội dung quy định, hướng dẫn về cho vay bằng phương thức điện tử. Đồng thời, NHNN cũng đang xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó cũng sẽ dự kiến sửa đổi, bổ sung các quy định về cho vay để đáp ứng nhu cầu cho vay giá trị nhỏ bằng phương tiện điện tử.
Bên cạnh đó, vừa qua, NHNN và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ của Bộ Công an về xây dựng, hoàn thiện giải pháp chấm điểm tín dụng và công bố thông tin điểm này tới các tổ chức tín dụng. Đây sẽ là một trong các nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng để tổ chức tín dụng xác minh khách hàng và phục vụ đánh giá, ra quyết định giải ngân cho vay trực tuyến.
Những động thái trên rất đáng mừng, đây là thời cơ chín muồi để các ngân hàng mở hướng phát triển một thị trường đầy tiềm năng. Việc có quy định cụ thể rõ ràng tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các chủ thể tham gia sẽ giúp thị trường cho vay trực tuyến trở nên an toàn hơn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên liên quan.
Theo ông, các ngân hàng cần cẩn trọng điều gì khi đẩy mạnh cho vay trực tuyến?
Thực tế, khi thực hiện hoạt động cho vay trực tuyến, các nhà băng sẽ tương tác với khách hàng hoàn toàn trên môi trường kỹ thuật số. Chính vì vậy, bản thân ngân hàng phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ về khách hàng và cần lưu ý bảo mật thông tin khách hàng. Thứ hai là thiết lập hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu thông minh, kết hợp với nhiều nguồn dữ liệu để đưa ra những quyết định đúng đắn, công bằng, phù hợp. Bởi lẽ, dù là cho vay trực tuyến hay trực tiếp, hoạt động cấp tín dụng đều có rủi ro. Do đó, ngân hàng phải xây dựng quy trình thẩm định tín dụng được số hoá đảm bảo có kiểm duyệt, có đánh giá đầy đủ về cơ sở dữ liệu. Vấn đề cuối cùng là nguồn nhân lực để thực hiện hoạt động cho vay trực tuyến, phải đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của hoạt động mới này.
Về phía ngân hàng cần tăng tốc làm sạch dữ liệu để đẩy nhanh hoạt động cho vay trực tuyến đảm bảo an toàn, hiệu quả...
Xin cảm ơn ông!