Rủi ro lạm phát lớn, không thể chủ quan
Áp lực sẽ gia tăng mạnh
Trong các báo cáo cập nhật triển vọng vĩ mô mới nhất trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022, các tổ chức và chuyên gia trong và ngoài nước đều dự báo lạm phát năm 2022 dù vẫn trong mức mục tiêu (khoảng 4%) nhưng sẽ tăng rất mạnh so năm 2021. Đơn cử, HSBC dự báo tăng 2,7%; WB dự báo 3,6%; ADB dự báo 3,8%... Thậm chí, Ngân hàng Standard Chartered dự báo ở mức 4,2%.
Nhiều tổ chức trong nước cũng cảnh báo về áp lực lạm phát. “Chúng tôi nhận thấy rủi ro vĩ mô lớn nhất trong năm 2022 là áp lực lạm phát gia tăng”, báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 1/2022 của Công ty chứng khoán VnDirect nhận định.
Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia, có 4 yếu tố chính có thể khiến lạm phát năm nay tăng mạnh so với năm ngoái. Trong đó, yếu tố đầu tiên được nhắc tới là cầu tiêu dùng nội địa phục hồi và nguồn cung thịt lợn thắt chặt hơn trong nửa cuối năm 2022 có thể khiến chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng đáng kể. Cùng với đó, giá năng lượng có thể duy trì ở mức cao với dự báo giá dầu thô Brent trung bình ở mức 80 USD/thùng trong năm 2022 (tức tăng khoảng 14% so với năm ngoái) trong khi các hoạt động đi lại trở về gần như bình thường sẽ dẫn đến phục hồi mạnh mẽ về giao thông, du lịch...
Bên cạnh đó, giá nhiều hàng hóa, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất (xăng dầu, hóa chất, phân bón, than, sắt thép...) đã tăng mạnh trong suốt thời gian vừa qua sẽ được phản ánh vào giá của hàng tiêu dùng năm 2022 khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Ngoài ra, áp lực lạm phát gia tăng do cung tiền dự kiến sẽ cao hơn với các hỗ trợ tài khóa quy mô lớn được thực thi vào năm 2022.
Với những lý do như vậy, VnDirect dự báo lạm phát năm nay sẽ ở mức 3,5%.
Trong khi đó theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, áp lực với lạm phát năm nay đến cả từ chi phí đẩy - nhập khẩu lạm phát - khi giá cả, lạm phát toàn cầu còn ở mức cao, khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn có thể diễn ra; cả từ cầu kéo (cùng với đà phục hồi kinh tế); và cả từ độ trễ cũng như việc thực thi chính sách tài khóa, tiền tệ có phần mở rộng, thích ứng hay vòng quay tiền kỳ vọng nhanh hơn. “Áp lực lạm phát đang gia tăng và dự báo lạm phát bình quân sẽ tăng khá cao, ở mức 3,5-3,8% trong năm nay”, TS. Lực cho biết.
Cẩn trọng, linh hoạt và phối hợp đồng bộ
Nhìn nhận về các xu thế lớn của kinh tế toàn cầu và trong nước trong năm nay, các chuyên gia đều nhận định các nguy cơ bong bóng tài sản, lạm phát đang hiện hữu. “Rủi ro lạm phát đang cao hơn. Các con số thống kê CPI chính thức chưa phản ánh được đầy đủ hiện trạng giá cả (tăng) trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngoài giá cả tiêu dùng thì còn cần nhìn đến các thị trường tài sản với giá đã tăng rất nhanh trong thời gian qua. Điều đó cho thấy dòng vốn vào sản xuất phần nào bị tắc nghẽn trong khi tâm lý đầu cơ ở Việt Nam luôn cao hơn thế giới”, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) nhận định.
Cùng quan điểm này và minh chứng cụ thể từ hoạt động của doanh nghiệp mình, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cho rằng, không thể phủ nhận giá hàng hoá trong nước và thế giới đang tăng lên và đấy chính là lạm phát. “Giỏ lạm phát chúng ta đang tính hiện nay không có tính đại diện lắm. Thực thanh, thực chi của May 10 đối với các chi phí đầu vào đang tăng rất cao. Ví dụ với chi phí vận chuyển hiện nay tăng ít nhất 1,5 lần; chi phí nguyên phụ liệu đầu vào tăng 10-15%, trong khi đó năng suất tăng không kịp, tiết giảm không kịp và như thế ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp và rộng hơn là ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của quốc gia”, ông Việt nói.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, cũng có nhiều cơ sở để không quá lo ngại về rủi ro lạm phát trong năm nay. Bởi với thực tế kiểm soát lạm phát tốt liên tục ở các mức thấp trong vài năm qua, lạm phát kỳ vọng đã giảm đi đáng kể. Đáng chú ý, Chính phủ vẫn có những công cụ hiệu quả để kiểm soát lạm phát thông qua việc bình ổn giá các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng là sức cầu tiêu dùng vẫn cần nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Cũng có những quan ngại đặt ra về áp lực đối với lạm phát trong bối cảnh Quốc hội vừa thông qua gói gần 350.000 tỷ đồng từ chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, điều này không đáng lo ngại bởi thực tế nguồn tiền mới đưa vào của gói này chỉ 176.000 tỷ và trong đó phần lớn (113.000 tỷ đồng) dành cho đầu tư hạ tầng.
“Gói này không thể giải ngân ồ ạt được. Ví dụ, với kế hoạch 72.000 tỷ đầu tư cho tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tôi dự báo trong năm 2022 chỉ giải ngân được khoảng 30.000 tỷ đồng. Do đó, trên thực tế lượng tiền đưa thêm vào nền kinh tế không phải nhiều. Nên tôi muốn nhấn mạnh rằng, gói hỗ trợ này không phải bơm tiền vào nền kinh tế. Do đó tác động đến lạm phát là điều tôi không e ngại lắm”, ông Cường nêu quan điểm.
Mặc dù vậy để tránh nguy cơ lạm phát bùng phát trong năm nay, các chuyên gia đề xuất cần tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. “Ví dụ, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cần phối hợp tốt trong điều hòa lượng cung tiền, thực hiện các gói hỗ trợ tín dụng… để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi. Khi thực hiện hiệu quả thì tiền mới chảy đúng chỗ, qua đó vừa kích thích tăng trưởng kinh tế, vừa không gây tình trạng thừa tiền chỗ này, chỗ kia thì sẽ không đẩy lạm phát tăng”, TS. Lực khuyến nghị.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục điều hành lượng cung tiền ở mức độ hợp lý, như tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ nên từ 12-14%, tối đa 15% (đã tính cả Chương trình phục hồi) để đảm bảo khả năng hấp thụ, đồng thời tiếp tục kiểm soát dòng tiền vào những kênh rủi ro. Với những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý cần hết sức cân nhắc về liều lượng và thời điểm tăng giá. Song song với đó, cần thực hiện tốt công tác truyền thông kịp thời để hạn chế tối đa hiện tượng “té nước theo mưa”, lạm phát do tâm lý…