Saigonbank lên sàn định giá tài sản thế nào?
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đã thông báo về việc chấp thuận cho 308 triệu cổ phiếu của NHTMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) được giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán là SGB. Với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch của SGB là 3.080 tỷ đồng. Sự kiện này đánh dấu một mốc quan trọng trong phát triển của ngân hàng này. Việc lên sàn đã được đại hội đồng cổ đông Saigonbank thông qua từ mùa đại hội 2019 và đến năm nay mới được sàn Hà Nội chấp thuận.
Ảnh minh họa |
Trong báo cáo tài chính bán hợp nhất giữa niên độ 2020 đã được kiểm toán của Saigonbank, tính đến ngày 30/6/2020 tổng tài sản của ngân hàng đạt 20.569 tỷ đồng, giảm 9,8% so với cuối năm ngoái; cho vay khách hàng giảm 2,79% xuống còn 14.151 tỷ đồng; huy động vốn tăng 2% lên mức 15.982 tỷ đồng. Mặc dù tổng tài sản của ngân hàng này giảm nhưng khoản mục tài sản khác ghi nhận tăng thêm gần 25% lên mức 432 tỷ đồng, đặc biệt là các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu tăng tương ứng 45% và 33%.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2020, Saigonbank đặt mục tiêu tổng tài sản trên 22.968 tỷ đồng, huy động vốn đạt 19.400 tỷ đồng; dư nợ cho vay dự kiến tăng 8,5% so với năm 2019, tương đương với 16.336 tỷ đồng; kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 130 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm trước.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2020 lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đã đạt 125,6 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2019 và hoàn thành 96% kế hoạch năm. Có được kết quả này một phần cũng nhờ chi phí dự phòng rủi ro 6 tháng đầu năm của Saigonbank giảm tới 86% so với cùng kỳ năm trước xuống chỉ còn mức 6 tỷ đồng.
Saigonbank, một NHTMCP đầu tiên trong thời kỳ đổi mới của đất nước có vốn của Thành ủy TP.HCM chi phối. Tuy nhiên cho đến nay ngân hàng này được giới tài chính nhìn nhận là một ngân hàng không quá cạnh tranh trên thị trường và nằm trong nhóm các ngân hàng có mức vốn điều lệ thấp nhất trên thị trường hiện nay.
Theo đó, hiện vốn điều lệ của Saigonbank chỉ là 3.080 tỷ đồng, trong đó như Văn phòng Thành ủy TP.HCM đang sở hữu khoảng 18,18% vốn; Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận 16,64%, Công ty TNHH MTV Du lịch thương mại Kỳ Hòa sở hữu trên 16,35%; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM sử hữu tỷ lệ 14,08%. Bên cạnh đó, một nhóm cổ đông khác đang sở hữu khoảng 5% sau nhiều lần mua gom cổ phiếu OTC của Saigonbank trên thị trường, trong đó có một công ty bất động sản đang đại diện cho những nhà đầu tư liên quan sở hữu 11% vốn, phần cổ phần còn lại nằm ở một số cá nhân và tổ chức nhỏ lẻ khác.
Tài sản của Saigonbank có thể tạm thời chia ra 3 phần: thương hiệu, cổ phần và tài sản cố định. Định giá các tài sản của Saigonbank có lẽ là vấn đề lớn nhất hiện nay, do là NHTMCP đầu tiên trong thời kỳ đổi mới nên nhà nước đã cấp trụ sở cho Saigonbank hoạt động từ những ngày đầu thành lập. Mấy năm trước một công ty thành viên của Saigonbank đã có ý định bán mảnh đất vàng là khách sạn Sài Gòn Riverside (bên bến Bạch Đằng, Quận 1, TP.HCM). Tuy nhiên, tài sản cố định của Saigonbank chính là tài sản nhà nước muốn bán phải thực hiện theo các quy định của pháp luật về bán tài sản công, nên cuộc bán khách sạn trên mảnh đất vàng năm đó bất thành.
Giới tài chính TP.HCM cho rằng, khác với nhà máy bia Sài Gòn sau cổ phần hóa việc tìm kiếm nhà đầu tư lớn để thoái vốn thuận lợi hơn rất nhiều. Trong thời gian qua do chưa niêm yết chính thức, nên cổ phần của ngân hàng này được thị trường OTC rao ở mức mệnh giá 10.000 đồng nhưng thực tế là không có giao dịch.
Trong cuộc niêm yết lên UPCoM đợt này, đặt ra bài toán cho Saigonbank trả lại tài sản nhà nước cấp năm mới thành lập hay Thành ủy coi đó là một phần vốn cần bán ra cho nhà đầu tư? Đối với các tài sản cố định là bất động sản của Saigonbank đều nằm ở các vị trí đắc địa ở TP.HCM, song không hễ dễ bán do phải thực hiện đúng quy định bán tài sản công.