Sản xuất công nghiệp của Nhật Bản tăng trong tháng Ba
Nhưng, lĩnh vực dịch vụ vẫn ảm đạm hơn nhiều, với các doanh nghiệp đang phải hứng chịu hậu quả của đại dịch ngay cả sau khi chính phủ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở khu vực Tokyo.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Nhật Bản trong tháng Ba đã tăng lên 52,0 điểm, đã được điều chỉnh theo mùa, từ mức 51,4 điểm của tháng Hai.
Điều đó có nghĩa là hoạt động sản xuất của Nhật Bản đã vượt qua ngưỡng 50,0 điểm để mở rộng trong tháng thứ hai liên tiếp.
Cuộc khảo sát PMI cho thấy hoạt động sản xuất của Nhật Bản được hỗ trợ bởi sản lượng và các đơn đặt hàng mới tăng. Triển vọng sản lượng tương lai cũng rất tích cực.
“Tâm lý tích cực xuất phát từ kỳ vọng rằng việc dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp và hạn chế vì đại dịch, cùng với việc triển khai tiêm chủng được đẩy nhanh, sẽ kích hoạt sự phục hồi nhu cầu ở cả thị trường trong và ngoài nước”, theo Usamah Bhatti, nhà kinh tế tại IHS Markit - cơ quan biên soạn cuộc khảo sát.
Nhưng, cuộc khảo sát cũng cho thấy áp lực kinh doanh vẫn đè nặng lên các doanh nghiệp do giá nguyên liệu đầu vào cao hơn, vốn đã tăng mạnh trong tháng trước.
Các nhà sản xuất báo cáo giá đầu vào ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2018.
Mặc dù sản lượng và đơn đặt hàng ngày càng tăng, các nhà sản xuất vẫn do dự trong việc tiếp nhận thên nhân công, tháng thứ ba liên tiếp được báo cáo về tình trạng giảm việc làm.
Cuộc khảo sát PMI cũng cho thấy lĩnh vực dịch vụ vẫn bi quan vì hậu quả của cuộc khủng hoảng y tế vẫn tiếp diễn.
Chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ tăng lên 46,5 điểm, đã được điều chỉnh theo mùa, từ mức 46,3 điểm trong tháng Hai.
PMI tổng hợp của Nhật Bản, được tính bằng cách tổng hợp cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đứng ở mức 48,3 điểm trong tháng Ba, gần như không thay đổi so với mức 48,2 điểm trong tháng Hai.