Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị: Liên kết còn lỏng lẻo
Sản xuất nông nghiệp trước cơ hội tiếp cận chuẩn Châu Âu Cần cơ chế đột phá thu hút đầu tư nông nghiệp xanh |
Xu thế tất yếu
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc, xây dựng được hơn 2.500 chuỗi lớn. Nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam đã được cải thiện đáng kể về mặt chất lượng để tham gia chuỗi giá trị. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm nay có khả năng tăng so với năm trước, đạt từ 55 tỷ USD trở lên.
Để thúc đẩy một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này nhằm tạo điều kiện tiếp tục mở rộng thị trường cho Việt Nam với các FTA đã ký kết và đang đàm phán, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong nước với quy mô hơn 100 triệu dân.
Tuy nhiên, việc liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hiện nay vẫn còn một số điểm nghẽn. Theo ông Tiệp, đó là vướng mắc giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Trong đó hạn chế lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu (liên kết ngang), cũng như giữa các khâu (liên kết dọc) trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo.
Phân tích cụ thể hơn, GS.TS. Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đa số doanh nghiệp nông nghiệp không đầu tư vào sản xuất mà chỉ đầu tư vào khâu thu mua, chế biến để kiếm lời, vì thế chuỗi liên kết yếu, chưa mạnh. Theo tính toán, hiện mới chỉ có 6% hộ nông dân và 4.000 hợp tác xã tham gia vào chuỗi liên kết (chiếm chưa được 1/4 số hợp tác xã). Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp rất ít, chỉ chiếm khoảng 1-1,3% tổng số doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết cũng thấp, chỉ khoảng 25% (tương ứng 1/4). Đáng chú ý, mới có 14 - 20% nông sản tham gia chuỗi liên kết, 80% còn lại trôi nổi.
TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đánh giá, quy mô hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam còn rất nhỏ, trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khá (khoảng 10%/năm giai đoạn 2013-2023).
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hiện nay được coi là hướng đi bền vững |
Tăng cường hợp tác, liên kết
Để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, ông Tiệp đề xuất cần đổi mới sản xuất nông nghiệp thông qua việc tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp. Theo ông, doanh nghiệp phải liên kết sâu từ khi người nông dân trồng, chăn nuôi và hỗ trợ kỹ thuật, giám sát thì sẽ bền vững hơn rất nhiều, đảm bảo năng suất chất lượng và hiệu quả trong liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp.
Nhằm khắc phục những vướng mắc trên, ông Lực đề xuất việc hoàn thiện khung pháp lý, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới (cơ chế sanbox cho Fintech, cho vay ngang hàng, cơ chế chia sẻ dữ liệu…). Trong đó, cần tổng kết đánh giá và có phương án tiếp theo đối với bảo hiểm nông nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu dự báo về thị trường, giá cả nông sản nhằm giúp nông dân và doanh nghiệp có định hướng sản xuất, tiêu thụ ổn định. Ông Lực cho rằng, cần có chiến lược tiếp thị và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tập trung xây dựng thương hiệu, tận dụng FTA thế hệ mới…
Về phía các doanh nghiệp nông nghiệp, cần chủ động tìm hiểu các giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng và các lợi ích; tăng cường minh bạch hóa thông tin để có thể tiếp cận các sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng nói riêng và dịch vụ tài chính nói chung; chủ động nghiên cứu để chuyển hướng sang nông nghiệp xanh, phát triển bền vững để có thể tiếp cận nguồn vốn trong và ngoài nước cho lĩnh vực này.