Sáng 1/3: Tỷ giá trung tâm giữ nguyên
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 29/2 |
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.002 đồng, giữ nguyên như phiên trước.
Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết giá bán USD ở mức 25.152 VND/USD, trong khi giá mua được giữ nguyên ở mức 23.400 VND/USD.
Trong khi đó, giá mua - bán đồng bạc xanh tại các ngân hàng được điều chỉnh tăng - giảm với biên độ phổ biến từ 5-15 đồng so với phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 24.405 VND/USD (cao hơn 5 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 24.490 VND/USD (thấp hơn 15 đồng). Ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở mức 24.790 VND/USD, giá bán cao nhất đang ở mức 24.910 VND/USD (thấp hơn 5 đồng).
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), hiện ở mức 104,064 điểm, giảm 0,066 điểm so với thời điểm mở cửa.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 1 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế. PCE lõi - chỉ số không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ, cũng bằng với các mức dự báo.
Như vậy, số liệu thống kê cho thấy thước đo lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng duy trì ở mức cao hơn so với mục tiêu của Fed, nhưng nhà đầu tư không lo lắng nhiều vì chỉ số không vượt quá dự báo mà họ và giới phân tích đưa ra trước đó. Bởi vậy, thị trường không đẩy lùi thêm kỳ vọng về thời điểm mà Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất, giữ nguyên kỳ vọng này ở tháng 6.
Các chiến lược gia tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cho biết, dữ liệu cho thấy Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Fed, cần phải thận trọng trước khi bắt đầu bình thường hóa lãi suất, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường lao động vẫn còn thắt chặt như hiện nay.
Công cụ FedWatch của CME cho thấy thị trường đang định giá 65% khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6, muộn hơn so với tháng 3 là thời điểm được đưa ra vào đầu năm.
Các nhà giao dịch đang định giá Fed sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng 82 điểm cơ bản trong năm nay, gần với dự báo của Fed về việc nới lỏng 75 điểm cơ bản và thấp hơn đáng kể so với mức cắt giảm lãi suất 150 điểm cơ bản được thị trường dự đoán hồi đầu năm.
Tại châu Á, sau đợt tăng giá ngắn ngủi vào thứ Năm, đồng yên đã quay trở lại mức trên 150 yên đổi một USD mà nó đã "bám rễ" trong vài tuần qua, dẫn đến lo ngại về khả năng can thiệp từ chính quyền Nhật Bản.
Đồng yên suy yếu 0,25% xuống 150,35 yên đổi một USD, sau khi tăng mạnh lên mức 149,21 yên đổi một USD vào thứ Năm.
Được biết, ông Hajime Takata, một quan chức Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã ám chỉ sự cần thiết BoJ phải thoát khỏi chính sách cực kỳ nới lỏng. Bình luận của ông Takata làm dấy lên kỳ vọng rằng BoJ có thể chấm dứt lãi suất âm vào tháng 3.
Tuy nhiên, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cho biết còn quá sớm để kết luận rằng lạm phát gần đạt được mục tiêu 2% của BoJ và nhấn mạnh sẽ tiếp tục tìm kiếm sự xác nhận xem tương quan giữa tiền lương và giá cả có bắt đầu thay đổi hay không.
Những bình luận trái ngược của các quan chức BoJ có thể khiến các nhà đầu tư phải suy đoán về động thái tiếp theo của cơ quan này.
Ở những nơi khác, đồng euro tăng 0,12% lên mức 1,0818 USD. Tương tự, bảng Anh giao dịch ở mức 1,2631 USD, tăng 0,05%.
Đô la Úc tăng 0,15% lên 0,6507 USD. Trong khi, đô la New Zealand giao dịch ở mức 0,6093 USD, tăng 0,1%.