Điểm lại thông tin kinh tế ngày 29/2
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 28/2 CPI tháng 2 tăng 3,98% so với cùng kỳ |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 29/02, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.002 VND/USD, giảm nhẹ 01 đồng so với phiên trước đó.
Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.152 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.645 VND/USD, tăng nhẹ 02 đồng so với phiên 28/02.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng mạnh 110 đồng ở chiều mua vào và 80 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.360 VND/USD và 25.430 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 29/02, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm mạnh 0,21 – 0,86 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 1,47%; 1 tuần 1,65%; 2 tuần 1,90% và 1 tháng 2,50%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD đi ngang ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tháng trong khi tăng 0,01 – 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần; giao dịch tại: qua đêm 5,18%; 1 tuần 5,30%; 2 tuần 5,36%, 1 tháng 5,40%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm ở kỳ hạn 5 năm; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,28%; 5 năm 1,45%; 7 năm 1,84%; 10 năm 2,35%; 15 năm 2,58%.
Nghiệp vụ thị trường mở, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường chứng khoán tiếp tục hưng phấn đầu phiên, tuy nhiên chịu sức ép bán mạnh sau đó. Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 1,82 điểm (-0,15%) về mức 1.252,73 điểm; HNX-Index tăng 0,29 điểm (+0,13%) lên 235,46 điểm; UPCoM-Index nhích 0,09 điểm (+0,10%) đạt mức 90,63 điểm. Thanh khoản thị trường tăng tích cực so với phiên trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 28.600 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 286 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2024 tăng 1,04% so với tháng trước; tăng 1,35% so với tháng 12/2023 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 02/2024 tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,67%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Tin quốc tế
Văn phòng Thống kê Kinh tế Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE lõi tại Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước trong tháng Một, nối tiếp đà tăng 0,1% của tháng trước đó và khớp với dự báo.
Bên cạnh đó, PCE toàn phần cũng tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn mức tăng 0,1% của tháng cuối năm. So với cùng kỳ năm 2023, PCE lõi và PCE toàn phần lần lượt tăng 2,8% và 2,4% trong tháng vừa qua, cùng giảm tốc so với mức 2,9% và 2,6% của tháng trước đó.
Tiếp theo, tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 24/02 ở mức 215 nghìn đơn, tăng nhẹ so với mức 202 nghìn của tuần trước đó, đồng thời cao hơn mức 209 nghìn theo dự báo. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất là 212,5 nghìn đơn, tăng 3 nghìn so với trung bình 4 tuần trước đó.
Chỉ số giá tiêu dùng Đức tiếp tục chậm lại, hỗ trợ kế hoạch cắt giảm lãi suất của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Theo Văn phòng Thống kê Đức Destatis, chỉ số giá tiêu dùng CPI Đức tăng 0,4% so với tháng trước trong tháng Hai, tuy cao hơn mức tăng 0,2% của tháng trước đó nhưng thấp hơn mức tăng 0,5% của thị trường.
So với cùng kỳ 2023, CPI tăng 2,7%, giảm tích cực từ mức tăng 3,1% của tháng Một. Đây cũng đúng là mức kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế. Kết quả này đúng với giả thuyết của ECB về việc mức tăng CPI sẽ tiếp tục giảm dần về mục tiêu 2% trong các tháng tới, có thể vào nửa cuối 2024.
Nhiều người dự đoán ECB có khả năng sẽ giảm các lãi suất chính sách của mình từ cuộc họp tháng Sáu tới đây. Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) vẫn đưa ra ý kiến thận trọng, cho rằng không nên cắt giảm lãi suất quá sớm khi triển vọng giá cả chưa đủ rõ ràng, cần chờ sang nửa cuối năm để có bức tranh kinh tế cụ thể hơn.
Theo Văn phòng Thống kê Úc, doanh số bán lẻ nước này chỉ tăng 1,1% so với tháng trước trong tháng Một, mặc dù tích cực hơn nhiều sau khi giảm 2,1% trong tháng cuối năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn dự báo với mức tăng 1,6%.