Sầu riêng liệu có thành… “sầu chung”
Nguy cơ vỡ “trận”
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2022, cả nước có khoảng 110 nghìn ha sầu riêng, trong khi định hướng phát triển của cơ quan chức năng chỉ dao động trong khoảng 65-75 nghìn ha. Điều đáng nói là con số 110 nghìn ha sầu riêng vẫn chưa dừng lại, bởi nhiều địa phương trong cả nước đang phát triển “nóng” cây sầu riêng, nguy cơ “vỡ trận” trong tương lai có thể xảy ra.
Thời gian gần đây, giá sầu riêng trên thị trường tăng cao, tại một số nơi bà con nông dân đã chặt bỏ các cây như cà phê, hồ tiêu, mít… để chuyển sang trồng sầu riêng. Thậm chí, tại những nơi chất đất, thổ nhưỡng không phù hợp song bà con vẫn trồng.
Cùng với Tây Nam bộ, Tây Nguyên đang là nơi cây sầu riêng đang phát triển khá nhanh. Đến nay, ước tính tại khu vực đã có khoảng 40 ha sầu riêng và chưa có dấu hiệu dừng lại, dù đã vượt quy hoạch đề ra.
Cây sầu riêng đang phát triển “nóng” tại nhiều địa phương ở Tây Nguyên. |
Đơn cử, tại Đắk Nông, trước sức hút và hiệu quả kinh tế của cây sầu riêng, nhiều hộ dân ở địa phương đã phá bỏ cao su, cà phê, tiêu hay các loại cây ăn quả khác để trồng sầu riêng. Đến cuối năm 2022, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh khoảng 6,2 nghìn ha, tăng hơn 1 nghìn ha so với năm 2021. Hiện, diện tích sầu riêng trồng tập trung nhiều ở các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Tuy Đức và Đắk R’lấp…
Trong chuyến công tác tại Tây Nguyên mới đây, chúng tôi đã đến thăm trang trại của ông Trần Văn Vinh ở xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil. Tại đây, bên cạnh những cây tiêu, ông Vinh đã trồng xen lẫn các cây sầu riêng.
Ông Vinh cho biết, trên thị trường mặt hàng này đang được giá, mới đây lại được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nên ông quyết định đầu tư, mở rộng diện tích trồng sầu riêng… Trong khi đó, theo đánh giá của ngành nông nghiệp Đắk Nông, hiện diện tích, sản lượng sầu riêng đã cơ bản cân bằng với nhu cầu thị trường. Tỉnh cũng đã định hướng tập trung sản xuất sầu riêng theo hướng chất lượng cao thay vì ồ ạt mở rộng diện tích. Bởi vậy, khi người dân tự phát mở rộng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ.
Ở địa phương lân cận là Đắk Lắk, cây sầu riêng cũng đang phát triển “nóng”. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến nay diện tích sầu riêng tại địa phương vào khoảng 15,1 nghìn ha, chiếm 17,6% diện tích cả nước, đứng thứ 2 cả nước về diện tích sầu riêng, chỉ sau tỉnh Tiền Giang.
Điều đáng nói, cũng như tại nhiều địa phương khác con số này có thể vẫn chưa dừng lại. Năm 2022, sản lượng sầu riêng của tỉnh khoảng 170 nghìn tấn và đến năm 2025 con số này là hơn 300 nghìn tấn. Cũng như tại Đắk Nông, trước nguy cơ “vỡ trận” của cây sầu riêng, cơ quan chức năng ở địa phương cũng phải khuyến cáo nông dân không chạy đua mở rộng diện tích sầu riêng trong thời điểm này, tránh nguy cơ cung vượt cầu, giá giảm. Đặc biệt, Đắk Lắk chưa có nhà máy quy mô lớn chế biến các sản phẩm từ trái cây, trong đó có sầu riêng. Bởi vậy, việc tự phát mở rộng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ.
Liệu cây sầu riêng có rơi vào “điệp khúc” chặt trồng như hồ tiêu hay một số cây nông sản khác. |
Đừng để “điệp khúc” chặt trồng
Sầu riêng là loại cây ăn quả lâu năm, cần phải đầu tư một cách bài bản và nguồn vốn khá lớn, không như những loại cây ngắn ngày. Việc tăng diện tích sầu riêng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, như đang xảy ra tại các địa phương trong cả nước, sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ. Khi đó, chính bà con nông dân vẫn là người chịu thiệt hại nặng nề nhất...
Trên thực tế thị trường hiện nay, mặc dù loại cây này đang được giá, tuy nhiên sầu riêng vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Bởi, thị trường tiêu thụ vẫn hết sức bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Nghiêm trọng hơn, khi sầu riêng đang được trồng vào cả những nơi không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng của Việt Nam.
Bài học về “điệp khúc” chặt trồng đã từng xảy ra nhiều trong quá khứ. Ngay tại Tây Nguyên, bài học đắt giá khi người dân đua nhau trồng mít Thái, hồ tiêu... khiến cung vượt quá cầu, bất chấp khuyến cáo của cơ quan quản lý, dẫn tới thua lỗ. Lúc được giá đua nhau trồng, đến khi rớt giá lại quay sang chặt bỏ. Những thất bại trong canh tác nông sản đắt giá này có vẻ chưa được nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Cần tăng cường khuyến cáo người dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng như hiện nay. |
Trước sự phát triển “nóng” của sầu riêng gần đây, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phải đưa ra cảnh báo về việc diện tích cây sầu riêng tăng ồ ạt, thiếu kiểm soát, người dân trồng theo phong trào, không theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu.
Trong văn bản cảnh báo, Cục Trồng trọt nhấn mạnh nếu vẫn phát triển “nóng” như thời gian qua, giá sầu riêng sẽ xuống thấp. Bởi vậy, thay vì tăng diện tích, sản lượng thì các địa phương, doanh nghiệp, người dân cần chung tay xây dựng thương hiệu để bán được giá cao hơn.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, để phát triển cây sầu riêng bền vững, hiệu quả, phù hợp định hướng phát triển chung của ngành, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, sản xuất theo phong trào, theo số đông; việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, định hướng của các cơ quan quản lý. Thay vì tăng diện tích, sản lượng thì cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Đặc biệt, các địa phương cần khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng.