Saudi Arabia thoát khỏi sự lệ thuộc dầu mỏ
Trật tự mới trên thị trường dầu mỏ thế giới | |
Saudi Arabia với kế hoạch “hậu dầu mỏ” |
Dầu mỏ chi phối nền kinh tế
Trong nhiều năm qua dầu thô không chỉ mang lại hàng tỷ USD lợi nhuận cho Tập đoàn dầu khí nhà nước Saudi Aramco và Tập đoàn hóa chất khổng lồ Sabic của Saudi Arabia, mà còn là trụ cột cho các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như sản xuất xi măng và luyện nhôm.
Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arab |
Saudi Arabia chỉ sử dụng dầu thô để sản xuất điện, cách mà rất ít quốc gia làm trên quy mô lớn. Tại các trung tâm mua sắm, hệ thống điều hòa làm không khí mát lạnh, khi nhiệt độ bên ngoài lên tới 38 độ C trong mùa Hè. Trẻ em thậm chí có thể chơi trò trượt tuyết tại một trung tâm giải trí mới ở thủ đô. Phần lớn nước sạch của quốc gia được cung cấp từ hệ thống khử muối và lọc nước biển thành nước ngọt, tốn rất nhiều năng lượng.
Nhìn chung mọi ngành công nghiệp ở Saudi Arabia đều dựa vào nguồn năng lượng giá rẻ và giới chuyên gia từng cảnh báo nếu không có những thay đổi đáng kể vương quốc dầu mỏ này có thể phải nhập khẩu dầu trong một vài thập kỷ tới.
Vào thời điểm giá dầu cao, Saudi Arabia từng ghi nhận các mức thặng dự ngân sách khổng lồ gần 103 tỷ USD năm 2012 và 48 tỷ USD năm 2013. Nhưng giá dầu giảm đã khiến nước này thâm hụt ngân sách tới 98 tỷ USD năm 2015, mức cao kỷ lục trong lịch sử.
Năm 2015, tổng thu ngân sách chỉ đạt 162 tỷ USD, trong khi chi tiêu lên tới 260 tỷ USD. Dự kiến trong năm 2016, Saudi Arabia tiếp tục thâm hụt ngân sách ở mức cao, có thể vào khoảng 87 tỷ USD tương đương 13% GDP. Trong khi kho dự trữ ngoại tệ vơi dần từ mức 732 tỷ USD năm 2014 chỉ còn khoảng 562 tỷ USD tính đến thời điểm vào tháng 8/2016.
Quyết tâm thúc đẩy cải cách
Trước tình hình đó, Saudi Arabia đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ, đồng thời tìm kiếm những nguồn tài chính mới. Đợt phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên nhằm huy động 17,5 tỷ USD trong tháng trước đã thành công trong việc mở ra một kênh vay tiền nước ngoài mà nhờ vào đó Riyadh có thể khống chế được đà giảm của dự trữ ngoại tệ.
Bên cạnh đó, việc này còn giúp Saudi Arabia có thêm thời gian để điều chỉnh nền kinh tế cho thích ứng với thời kỳ giá dầu rẻ. Nhu cầu đối với trái phiếu của Saudi Arabia là rất lớn, nhất là từ các nhà đầu tư châu Á.
Một quyết định khác cũng được đưa ra đó là mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa đầu tư và mở cửa các ngành dịch vụ. Một biện pháp nữa là thực thi các chính sách thắt lưng buộc bụng đầy khắc khổ như tạm chấm dứt tăng lương và thưởng cho công chức, cắt giảm mạnh trợ giá điện và nước sinh hoạt, nhiên liệu.
Mạnh tay hơn Chính phủ Saudi Arabia phải cắt giảm đột ngột các dự án xây dựng, buộc nhà thầu phải sa thải công nhân. Việc tăng giá nước sạch bất ngờ cũng khiến người dân phàn nàn trên các phương tiện truyền thông xã hội. Vụ việc được đẩy lên cao trào khi Bộ trưởng phụ trách vấn đề điện và nước nói khách hàng nếu không hài lòng với giá cả thì có thể tự đào giếng riêng. Phát ngôn này đã khiến ông bộ trưởng bị sa thải.
Chính phủ phải chịu thêm một áp lực nữa, là dân số của đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 1990. Một nửa dân số Saudi Arabia dưới 25 tuổi khiến cho khu vực tư nhân không tạo được cơ hội cho khoảng 300.000 người trẻ bước vào lực lượng lao động mỗi năm, nhất là phụ nữ.
Những năm đầu thập niên 2000, Saudi Arabia đã thực hiện một chương trình cải cách giáo dục lớn và đã đầu tư thành lập các trường đại học mới để phát triển khoa học và công nghệ. Năm 2011, việc Saudi Arabia tăng số người bản địa làm việc trong các công ty quốc gia đã tạo ra những hiệu ứng tích cực về việc làm trong trung và dài hạn.
Ý thức được rằng những sáng kiến trên là chưa đủ, Chính phủ Saudi Arabia đã đưa một chương trình cải cách kinh tế-xã hội lớn mang tên "Tầm nhìn 2030" nhằm giúp đất nước giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ thông qua các cải cách mạnh mẽ về đầu tư và kinh doanh, cũng như thúc đẩy một loạt dự án kinh tế sinh lời và tạo việc làm. Và thời kỳ hậu dầu mỏ đang được mở ra.
Chính phủ Saudi Arabia đã công bố kế hoạch tìm cách tăng nguồn thu ngân sách ngoài dầu mỏ tăng gấp 3 lần vào năm 2020, bắt đầu bằng tăng phí thị thực, tăng tiền phạt vi phạm giao thông, và tăng thuế đồ uống có đường.
Quốc vương Saudi Arabia đã ký sắc lệnh "cắt 20% lương của các bộ trưởng" và giảm các khoản phụ cấp đối với các quan chức nhà nước, trong một nỗ lực triển khai chính sách "thắt lưng buộc bụng" để đương đầu với tình trạng nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm.
Theo đó, 160 thành viên của Hội đồng Shura do Quốc vương nước này chỉ định để tư vấn cho chính phủ, cũng sẽ bị giảm 15% phụ cấp nhà ở, đồ nội thất và xe hơi hàng năm. Chính phủ Saudi Arabia cũng được yêu cầu ngừng cung cấp xe công cho các quan chức nhà nước cấp cao, trong khi phụ cấp điện thoại cũng bị cắt giảm.
Không chỉ giảm lương bộ trưởng, ngừng việc tuyển dụng và giảm bớt tiền thưởng thường xuyên cho toàn bộ lực lượng lao động khu vực nhà nước, Chính phủ Saudi Arabia còn thông báo rằng người lao động sẽ được trả lương theo lịch Gregorian (tức dương lịch, khác với lịch Hồi giáo Hijri), nghĩa là thêm một ngày làm việc mỗi tháng.
Ngoài ra, một trong những cách để tạo thêm việc làm cho người địa phương là loại bỏ lao động nước ngoài. Chính sách này từng được Saudi Arabia theo đuổi từ đầu những năm 1980 nhưng luôn luôn thất bại với số lượng người lao động nước ngoài đang phình to từ khoảng 1-10 triệu người hiện nay.
Những vấn đề kinh tế và xã hội ở Saudi Arabia ngày càng trầm trọng thêm do tác động của giá dầu giảm. Do đó Chính phủ không còn sự lựa chọn nào khác mà phải quyết tâm thực hiện cải cách nền kinh tế, giảm dần sự lệ thuộc vào nguồn “vàng đen” - nguồn lợi trời cho mà vương quốc dầu mỏ này thụ hưởng suốt nhiều thập niên qua nay đang cạn dần.